- Chúng tôi yêu nhau được 3 tháng thì cô ấy trở nên lạnh nhạt, tỏ ra thờ ơ không quan tâm đến tôi. Tôi bí mật tìm hiểu thì phát hiện ra người yêu mình đang qua lại với người đàn ông khác. Quá tức giận, tôi đòi gặp và đã tát cô ấy hai cái.

Mọi việc sẽ dừng lại nếu người yêu tôi im lặng và chấp nhận chia tay. Nhưng không ngờ, vài ngày sau đó, lo sợ tôi gọi điện cho bố mẹ biết sự thật, cô ấy chủ động làm đơn tố cáo tôi có hành vi bạo lực lên công an phường. Chúng tôi buộc phải đến đó lấy lời khai.

Khi đến đó, tôi đã trình bày y nguyên những gì xảy ra và được thông cảm, còn cô ấy cảm thấy hối hận nên đã xin rút đơn tố cáo, đồng thời làm bản cam kết, không yêu cầu bồi thường.

Vấn đề ở chỗ, khi ra về, cô ấy không xảy ra vấn đề gì, còn tôi thì bị giữ xe máy không rõ lí do. Ngày 15-7-2016, tôi mang giấy tờ tùy thân và giấy tờ xe đến trụ sở công an xin lấy xe về thì được phó công an xã nói phải chờ đến đầu tuần tới, hồ sơ trên quận trả về mới xem xét.

Xin hỏi luật sư, hành vi giữ xe không rõ lí do của tôi như vậy có đúng không? Nếu người yêu tôi đã rút đơn tố cáo thì tôi có bị khép vào tội gì không? Cảm ơn luật sư.

{keywords}
Tôi bị người yêu tố cáo sau khi tát cô ấy (Ảnh minh họa)

Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi đưa ra quan điểm tư vấn như sau: 

Hành vi tát bạn gái của bạn chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội hình sự nhưng có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e Khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Cụ thể: 

"3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;

b) Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;

c) Thuê hoặc lôi kéo người khác đánh nhau;

d) Gây rối trật tự tại phiên tòa, nơi thi hành án hoặc có hành vi khác gây trở ngại cho hoạt động xét xử, thi hành án;

đ) Gây rối trật tự tại nơi tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế;

e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác;

g) Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

h) Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức;

i) Tập trung đông người trái pháp luật tại nơi công cộng hoặc các địa điểm, khu vực cấm;

k) Tổ chức, tạo điều kiện cho người khác kết hôn với người nước ngoài trái với thuần phong mỹ tục hoặc trái với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

l) Viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân;

m) Tàng trữ, vận chuyển “đèn trời”.

................"

Cũng tại Điều 5 của nghị định 167/2013/NĐ-CP, khoản 5 có quy định về hình phạt bổ sung: "Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính". Tuy nhiên hình phạt này không áp dụng đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 3 Điều 5.

Vì vây, trong trường hợp của bạn, việc cơ quan công an tiến hành giữ xe của bạn là không có căn cứ pháp luật.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn cần làm đơn khiếu nại gửi cơ quan công an nơi đang thu giữ xe của bạn đồng thời bạn có thế gửi đơn yêu cầu đến viện kiểm sát cùng cấp để giám sát kiểm tra hoạt động tuân thủ pháp luật của cơ quan công an nêu trên.  

Tư vấn bới luật sư Hoàng Tuấn Anh, công ty Luật Themis; SĐT 0986663459; email [email protected].

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc