Hàng chục dự án luật và trên 30 chính sách về đồng bào DTTS, MN đang triển khai
Thực hiện các chủ trương, chính sánh về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023, tầm nhìn 2045, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ngoài 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai, còn có nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Theo số liệu thống kê có hàng chục dự án luật và trên 30 chính sách về đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN) đang thực hiện. Tuy nhiên qua triển khai ở địa phương, nhiều chính sách còn tản mạn, có nội dung chồng chéo, chưa được hệ thống hóa và chưa có tính đột phá, có chính sách chưa được ban hành.
Cụ thể như năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, đến nay còn 4 chính sách chưa được ban hành. Đó là, chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm đối với thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đào tạo nghề; chính sách xóa bỏ các hủ tục lạc hậu vùng đồng bào DTTS, MN; chính sách phát hiện quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là người DTTS và các chính sách về đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với người DTTS rất ít người, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu sớm triển khai xây dựng các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển, chỉ đạo rà soát các chính sách còn chồng chéo, tích hợp hệ thống hóa lại để lồng ghép, tập trung nguồn lực đầu tư, tránh dàn trải, hướng tới bền vững”, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu) kiến nghị.
Đánh giá sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 1227 để có những điều chỉnh phù hợp
Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc, tập trung giải quyết trả lời kiến nghị của địa phương gửi đến 18 bộ, ngành vừa qua. Nhất là sớm hoàn thành việc tham mưu, sửa đổi Nghị định 27 của Chính phủ, vì đây là khung pháp lý xương sống của 3 chương trình theo chỉ đạo tại Công điện số 71 của Thủ tướng Chính phủ.
“Thời gian thực hiện chương trình trên chỉ còn hơn 2 năm, người dân miền núi đang rất mong chờ, đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn về thể chế, xử lý vướng mắc về nguồn vốn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư và các bộ, ngành tiếp tục thành lập các đoàn công tác đến trực tiếp các địa phương để tháo gỡ từ cơ sở”, đại biểu Hoàng Quốc Khánh kiến nghị.
Về thực hiện một số chính sách dân tộc, minh hoạ từ Lai Châu, đại biểu Hoàng Quốc Khánh cho biết: Người La Hủ ở Lai Châu có 2.952 hộ dân, 12.316 khẩu chủ yếu cư trú ở các xã Pa Vệ Sủ, Bum Tở, Nậm Khao, Mường Tè, Tá Bạ, Thu Lũm, Ka Lăng, Pa Ủ, Hua Bum của huyện Mường Tè. Đây là dân tộc đặc biệt khó khăn, dân số trên 10.000 người sống tập trung ở các xã biên giới, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều hiện nay đã thống kê là trên 81%, các điều kiện về dân trí, về sức khỏe dân số còn rất hạn chế.
Giai đoạn 2016 - 2020 đã được thụ hưởng chính sách theo Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1227 phê duyệt danh sách dân tộc còn gặp khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025, dân tộc La Hủ không được hưởng chính sách trên do vướng về tiêu chí dân số trên 10.000 người, điều kiện là chỉ áp dụng đối với dân tộc dưới 10.000 người.
Theo chia sẻ của đại biểu Hoàng Quốc Khánh, cấp ủy, chính quyền ở địa phương rất trăn trở và người dân cũng chưa đồng tình với quy định về điều kiện trên. Vì thực tế, một số dân tộc được hưởng chính sách trên thì có đời sống khá hơn, điều kiện sản xuất tốt hơn dân tộc La Hủ.
Bởi vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 1227 để có những điều chỉnh phù hợp.