Nhận định năm 2024 vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức tác động lên nền kinh tế và DN, nên nhiệm vụ “củng cố năng lực, tăng sức cạnh tranh, giữ vững niềm tin DN” được nhấn mạnh trong các Chương trình hành động của các Bộ, ngành, địa phương. Các nhóm giải pháp vì thế cũng được đề ra sát hơn với tình hình thực tế.

Tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc ngành thực hiện 3 trọng tâm phát triển của ngành trong năm 2024, với 3 đột phá chiến lược và 11 nhóm giải pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Chính phủ giao cho ngành Công Thương năm 2024.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoa

Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7-8%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 24%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, cán cân thương mại duy trì xuất siêu khoảng 15 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 9%; thương mại điện tử B2C tăng trưởng khoảng 18-20%...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hỉệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, hỗ trợ DN.

“Ngành Công Thương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, tập trung giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phục hồi phát triển sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, năng lượng, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm để sớm đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu.