Việc dán tem truy xuất nguồn gốc giúp sản phẩm của các hộ kinh doanh minh bạch thông tin. Các sản phẩm của họ có lượng tiêu thụ ổn định và cung cấp, phân phối cho nhiều hệ thống siêu thị lớn. Đại diện hộ kinh doanh cho biết việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã hiện được thực hiện đồng bộ với các kênh bán hàng hiện đại như siêu thị hay sàn thương mại điện tử.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng phòng Kinh tế huyện, các doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng mã QR sẽ giúp ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trên thị trường. Bà Hằng thông tin thêm, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất an toàn theo chuỗi, có tem nhãn đều bán được giá cao hơn sản phẩm sản xuất truyền thống 10-30%.
Hợp tác xã, doanh nghiệp cũng được nâng cao năng lực khi ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi. Về phía người tiêu dùng, họ có thể xác minh được ngày sản xuất và hạn sử dụng cũng như nguồn gốc mặt hàng chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh.
Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển, cho rằng các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã cần sử dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc để chứng minh cho người tiêu dùng thấy và tin tưởng về nguồn gốc, nguyên vật liệu đầu vào, quy trình làm sản phẩm. Giữa thời buổi các hàng hóa kém chất lượng len lỏi trên thị trường, đây sẽ là giải pháp giúp lấy lại niềm tin của khách hàng.
Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; Hỗ trợ doanh nghiệp chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế là hai nhiệm vụ và giải pháp nằm được nêu trong Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030.