Bắc Hà (Lào Cai) hiện có 14 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đông nhất là dân tộc H'mông, Dao, Tày, Nùng. Lâu nay, do thiếu kiến thức pháp luật, do không có thông tin, lâu nay tại một số thôn bản, nhiều mâu thuẫn tưởng chừng như rất nhỏ như tranh chấp đường nước tưới tiêu, vay đổi công nợ hay lối đi chung… không tháo gỡ được dẫn tới nhiều hậu quả hệ lụy, gây tổn thương về tình cảm và cả máu thịt mà vẫn phải đối diện với phiên tòa.

Thực tế này cho thấy sự thiếu hiểu biết của đồng bào vùng dân tộc thiểu số về các quy định của pháp luật cũng như họ chưa biết về dịch vụ trợ giúp pháp lý của Nhà nước vẫn còn phổ biến. 

Nhằm giúp đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi và những người yếu thế trên địa bàn tỉnh tiếp cận và thụ hưởng kịp thời, hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý có chất lượng trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 09/3/2023 của UBND tỉnh và Kế hoạch số 37/KH-TGPL ngày 13/3/2023 của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lào Cai.

Cuối tháng 6 vừa qua, tại thị trấn Bắc Hà, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn điểm về tiếp cận trợ giúp pháp lý cho các thành viên là trưởng thôn và những người có uy tín trong cộng đồng, đại diện cho 60 thôn nghèo và đặc biệt khó khăn của 13 xã khu vực III, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện. 

taphuan.png
Quang cảnh buổi tập huấn kiến thức pháp luật

Tại hội nghị, các học viên được tiếp cận và nghiên cứu các quy định của Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành qua bộ tài liệu,  sôi nổi thảo luận từng tình huống giả định; phân biệt và nắm rõ được những trường hợp nào được hưởng hay không được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước; biết được những thông tin về phạm vi, lĩnh vực, hình thức trợ giúp pháp lý ; quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý ; tổ chức trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý  cùng với địa chỉ và số điện thoại của Trung tâm và các Chi nhánh trợ giúp pháp lý trên địa bàn; đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giới thiệu, thông tin về những trường hợp thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo Thông tư 03/2021/TT-BTP của Bộ Tư pháp. 

Ngoài các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành, các báo cáo viên pháp luật còn giới thiệu những nội dung mới của Thông tư 09/2022/TT-BTP của Bộ Tư pháp về việc thay đổi và hủy bỏ các thông tin trong lĩnh vực hộ tịch như “sổ hộ khẩu, sổ tạm trú” hay về thành phần “dân tộc, nghề nghiệp”, về “ngày cấp, nơi cấp” trong chứng minh thư nhân dân cho phù hợp với việc triển khai thực hiện căn cước công dân theo quy định hiện hành.

Đối với phần thực hành một số biểu mẫu (Mẫu 02-TP-TGPL; Mẫu 04-TP-TGPL; Mẫu 05-TP-TGPL và Mẫu 13-TP-TGPL…) và trả lời hệ thống câu hỏi trắc nghiệm tương ứng với các tình huống vừa lựa chọn, Trung tâm còn chuẩn bị những phần quà nho nhỏ, khích lệ động viên các học viên nắm được cụ thể hơn về 14 diện người được trợ giúp pháp lý , nhất là những trường hợp có khó khăn về tài chính; chú trọng các thông tin cá nhân vừa được thay đổi và hướng dẫn tại Thông tư 09/2022/TT-BTP, đặc biệt là ý kiến đánh giá của người được trợ giúp pháp lý  về sự hài lòng trong quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý . 

Là người đại diện thôn Xà Phìn, xã Bản Liền, anh Giàng Seo Giáo chia sẻ, được chia sẻ thông tin, kiến thức pháp luật, anh hiểu ra rất nhiều. Tới đây, anh Giáo sẽ chia sẻ, thông tin lại những kiến thức pháp luật vừa được tiếp cận trong khoá tận huấn cho người dân trong bản.

Rất phấn khởi khi được biết về sự hiện diện của Trung tâm và Chi nhánh trợ giúp pháp lý trên địa bàn huyện, anh Giàng Seo Giáo tin tưởng, "tôi sẽ thông báo với bà con, những người đang cần tháo gỡ các vướng mắc về pháp luật về trung tâm và các chi nhánh này. Để trong đời sống thường ngày sẽ giảm thiểu tình trạng khiếu kiện, tranh chấp không đáng có, góp phần ổn định trật tự an ninh tại địa phương.

Thanh Tuấn và nhóm PV, BTV