Tham dự hội nghị có đại diện các ban chỉ đạo, tổ tư vấn, các hợp tác xã sản xuất thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Mục đích để thực hiện việc chuyển đổi số, từng bước tiến tới toàn bộ diện tích thanh long được ghi chép nhật ký đầy đủ.
Tại hội nghị, các đại biểu được giới thiệu về ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc, giải pháp truy xuất nguồn gốc, các khâu sản xuất, chế biến, phân phối bán hàng qua nhiều kênh với hình thức thanh toán đa dạng. Ngoài ra, đại biểu được cung cấp thông tin và hỗ trợ kết nối người bán và người mua…
Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, thông qua tập huấn, các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân sản xuất thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam sẽ nắm rõ hơn kiến thức về chuyển đổi số. Từ đó áp dụng vào quá trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường đầu ra cho thanh long Bình Thuận trong thời gian tới. Đặc biệt góp phần thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào sản xuất nông nghiệp cacbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, sử dụng hợp lý tài nguyên và tạo ra ít phát thải.
Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 26.500 ha thanh long, sản lượng khoảng 570.560 tấn/năm. Trong đó 39,1% diện tích thanh long đạt chất lượng GAP và tương đương, hơn 10.000 ha đã được cấp chứng nhận VietGAP, riêng huyện Hàm Thuận Nam chiếm gần 7.000 ha.
Theo K. Hằng (Báo Bình Thuận)