Kế hoạch tổ chức khóa tập huấn, cung cấp thông tin cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí về hiện trạng vấn đề bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng năm 2025 vừa được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) phê duyệt.

Theo đó, Cục Báo chí là cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức khóa tập huấn, cung cấp thông tin cho các phóng viên, biên tập viên về nội dung bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, với thời gian diễn ra khóa tập huấn là trong quý cuối cùng của năm 2025.

Giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng đã được xác định là 1 trong 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025” (gọi tắt là Chương trình 830), đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/6/2021.

Cụ thể, Chương trình 830 đã nêu rõ, khuyến khích, thúc đẩy gia đình, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên, phóng viên, biên tập viên, nhà báo chủ động, thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình, tìm hiểu thông tin và khả năng tự phát hiện, tố cáo các hành vi có nguy cơ xâm hại khi tham gia môi trường mạng.

W-bao ve tre em tren moi truong mang 01 1.jpg
 Một mục tiêu của Chương trình 830 là truyền thông đến toàn xã hội về kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, định hướng trẻ em tương tác an toàn, lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. 

Theo ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam – VNISA, Chủ nhiệm Câu lạc bộ bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng, báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng và là một trong những trụ cột của hoạt động truyền thông về công tác bảo vệ và hỗ trợ trẻ em.

Thời gian vừa qua, các cơ quan báo chí, truyền thông đã tích cực tuyên truyền, phát hiện, tố giác và ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em trong cả môi trường truyền thống và không gian mạng. Nhiều phóng viên, nhà báo đã cùng chung tay góp sức để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trên môi trường mạng, không gian đang ngày càng nhiều rủi ro và nguy hiểm cho các em.

Tuy vậy, vẫn còn đâu đó những thông tin, bài viết, ấn phẩm phản ánh về trẻ em còn chưa được kiểm chứng, vô tình vi phạm quyền riêng tư của trẻ… có thể gây ra những ảnh hưởng, tác động không nhỏ tới đời sống tinh thần các em.

"Công tác tuyên truyền về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới để có thể nâng cao nhận thức không chỉ của trẻ em về các nguy cơ, rủi ro trên mạng. Các nhà báo viết về trẻ em và viết cho trẻ em cần lưu ý rằng phải đứng trên cơ sở tiếp cận dựa trên Quyền trẻ em và đặt trẻ làm trung tâm, vì lợi ích tốt nhất của trẻ”, ông Ngô Tuấn Anh chia sẻ.

Đồng quan điểm, đại diện tổ chức World Vision Việt Nam cũng nhận xét: Báo chí, truyền thông đã có nỗ lực lớn vào sự phát triển của cộng đồng, xã hội nói chung và trong tác động với trẻ em nói riêng.

Tác động tích cực của báo chí, truyền thông được thể hiện ở 4 điểm nổi bật, đó là: Giáo dục, học tập - Cung cấp nguồn thông tin, kiến thức cho trẻ em, cha mẹ và cộng đồng về hỗ trợ trẻ em; Hành vi, chuẩn mực xã hội - Sử dụng và chia sẻ các quan điểm, hình ảnh, tấm gương tích cực, thúc đẩy các chuẩn mực hành vi tích cực, giảm thái độ thù địch chống đối xã hội; Kết nối xã hội - Thông tin về các mạng lưới, dịch vụ để kết nối trợ giúp, huy động nguồn lực xã hội; Trách nhiệm và công bằng xã hội - Thúc đẩy tổ chức cá nhân thực hiện trách nhiệm, hỗ trợ trẻ em và các nhóm yếu thế, đảm bảo công bằng xã hội.

Tuy nhiên, cũng theo đại diện World Vision Việt Nam, báo chí truyền thông có thể đưa đến 6 nguy cơ phổ biến có thể tác động không tốt tới trẻ em, như: Nội dung gây hại; hành động rủi ro; thông tin cá nhân; định khuôn; thiếu tự tin hình thể và đổ lỗi. Các cơ quan báo chí và nhà báo cần lưu ý về những nguy cơ này để góp phần bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường số.

“Chẳng hạn như, khi cơ quan báo chí, nhà báo sử dụng thông tin, hình ảnh câu chuyện về một cá nhân nào đó, đặc biệt là nạn nhân bị xâm hại tình dục, thì cần đảm bảo bảo mật thông tin, không đưa thông tin liên quan đến trường lớp quá cụ thể cũng như không đăng ảnh chụp cận mặt nhân vật”, đại diện World Vision Việt Nam nêu dẫn chứng.