Không lo thiếu vốn

Trao đổi tại hội thảo “Doanh nghiệp Việt ra biển lớn” tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, khẳng định không lo thiếu vốn cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Theo ông Minh, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn về vốn được ngành ngân hàng đẩy mạnh thực hiện nhiều năm qua. Điển hình như chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, qua 7 năm thực hiện đã hỗ trợ cho 48.558 doanh nghiệp, với tổng giá trị khoảng 845.000 tỷ đồng. Nguồn vốn trên địa bàn thành phố cũng đi vào thực tế, khi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chiếm đến 80% tổng dư nợ tín dụng.

{keywords}
Thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay hấp dẫn nhiều nhà đầu tư ngoại

Thống kê thị trường bình quân cho thấy, lãi suất cho vay trung và dài hạn hiện nay dao động trong khoảng 9-11%, được các chuyên gia đánh giá là phù hợp với khả năng phát triển hiện nay của các doanh nghiệp.

Trong khi đó, nhiều bài học khác chia sẻ tại hội thảo lại cho thấy dòng vốn ngoại sẵn sàng đổ về các doanh nghiệp Việt, chứ không phụ thuộc vào tổ chức tín dụng trong nước.

Điển hình như câu chuyện của Công ty Cổ phần An Gia hợp tác toàn diện với Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) từ năm 2015, đó được xem là tiền đề quan trọng để  DN có điều kiện vươn lên. 

Ông Nguyễn Trung Tín, Tổng Giám đốc của An Gia, chia sẻ: “Hợp tác với người Nhật tiêu chuẩn đầu tiên là đường dài, chứ không phải là lợi nhuận. Kinh nghiệm lớn nhất khi chúng tôi làm việc với đối tác nước ngoài là luôn minh bạch và công khai thông tin”, ông Tín nhấn mạnh.

Bắt tay với nhà đầu tư ngoại không chỉ tăng năng lực về vốn mà còn góp phần thay đổi tư duy quản trị và nhận thức về thị trường. Một khi năng lực doanh nghiệp được nâng cao thì việc gọi thêm vốn cũng trở nên dễ dàng hơn. Năm 2018, quỹ đầu tư Hoosiers (Nhật Bản) cũng bắt tay với An Gia, các quỹ đầu tư mới từ Anh, Hàn Quốc cũng đang tìm hiểu.

Trên thực tế, việc liên kết với nhà đầu tư ngoại để phát triển các dự án bất động sản là rất phổ biến. Đi đầu trong trào lưu này có thể kể đến Công ty Cổ phần Nhà Thủ Đức (Thuduc House), khi thành lập liên doanh với Daewon Hàn Quốc để triển khai thực hiện dự án bất động sản tại TP.HCM vào năm 2003. Đây là dự án bất động sản đầu tiên có sự hợp tác của đối tác nước ngoài trên địa bàn cả nước lúc bấy giờ, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó Tổng Giám đốc Thuduc House cho biết.

Thuduc House đồng thời cũng là một trong những công ty bất động sản đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán HOSE vào năm 2006, giúp công ty đa dạng hóa nguồn vốn, là hướng đi của nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay.  Công ty này lên kế hoạch niêm yết ra thị trường nước ngoài trong vòng 3-5 năm tới.

Vốn là chưa đủ

Trên thực tế, mặc dù nguồn vốn để kinh doanh là rất quan trọng nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng nhận lấy bằng mọi giá.

{keywords}
Đại diện Vietravel cho rằng cơ quan quản lý cần phải theo sát thị trường

Chẳng hạn, theo bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty nước giải khát Tân Hiệp Phát, công ty đã từng từ chối lời ngỏ ý 2,5 tỷ USD rót vốn vào năm 2012, mặc dù hai bên đã mất gần 1 năm để tìm hiểu nhau. “Điều này không có nghĩa là Tân Hiệp Phát không cần vốn, nhưng khi đó là thời điểm chưa phù hợp với công ty”, bà Phương nói.

Tại hội thảo, vấn đề “Đi ra biển lớn” của các doanh nghiệp cũng được mổ xẻ kỹ hơn. “Biển lớn” không chỉ mang nghĩa đầu tư ra nước ngoài, mà bản thân các doanh nghiệp Việt cũng phải lớn mạnh thêm, tăng cường sức mạnh để cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, vốn ngày càng mở cửa nhiều hơn. Theo đó, các khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải cũng được nhiều diễn giả chia sẻ.

Trong lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel, cho rằng ngành du lịch đã phát triển nhiều trong thời gian qua nhưng vẫn còn những “điểm tối”.

Theo đó, năng lực cung ứng dịch vụ du lịch của Việt Nam không theo kịp với thị trường, chẳng hạn như vấn đề hạ tầng, hay thiếu sản phẩm du lịch để giữ chân du khách. Thủ tục hành chính vẫn đang làm đau đầu nhiều doanh nghiệp.

Trước nghi ngại về thủ tục đăng ký cho các dự án khởi nghiệp, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, cho biết một số ngành nghề chưa có cam kết mở cửa sẽ mất nhiều thời gian hơn bình thường vì phải chờ Bộ KH-ĐT trả lời. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan quản lý đã có hướng giải quyết nhanh với những ngành nghề có tiền lệ, và chỉ có khoảng số ít dự án là thuộc trường hợp này, bà Mai thông tin.

Thời gian gần đây, khái niệm “chính phủ kiến tạo” được nhắc đến thường xuyên hơn. Nhiều biện pháp, chủ trương được đưa ra để tăng sức cạnh tranh cho cá doanh nghiệp như cắt giảm thủ tục hành chính. Điều này đang được kỳ vọng sẽ tạo ra sức bật mới cho doanh nghiệp Việt trong thời gian tới.

Dũng Nguyễn