- Samsung, Canon, Intel... đã gắn bó trên dưới chục năm ở Việt Nam, như một minh chứng chắc nịch rằng, chúng ta là điểm đến hấp dẫn! Nhưng cái danh "điểm đến hấp dẫn" sẽ có ý nghĩa gì khi điều cốt lõi nhất là hiệu ứng lan toả vẫn quá yếu ớt. FDI có sân riêng, doanh nghiệp Việt như bị loại từ vòng gửi xe.

Khó chơi với FDI

Những ngày tháng 4 này, ở Tập đoàn Samsung, vẫn đang nóng hổi chủ đề "tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng ở Việt Nam".

Mục tiêu được đặt ra quyết liệt, là làm sao trong năm này hay vài năm tới, hãng phải ký được vài ba hợp đồng với các công ty Việt 100% làm vệ tinh, để ít nhất cũng chứng tỏ rằng, hãng nói là làm.

Thế nhưng, mục tiêu này liệu có thể trở thành hiện thực?

Có mặt ở Việt Nam 7 năm nay, Samsung đã có 97 nhà cung cấp phụ trợ, nhưng trong đó chỉ có 7 doanh nghiệp thuần Việt làm bao bì, tỷ lệ chưa đến 10%. Mặc dù theo tiêu chí lý thuyết, tỷ lệ nội địa hoá ở điện thoại Samsung là tới 39%?!

Tháng 2 vừa qua, 17 doanh nghiệp Việt theo sự giới thiệu của Bộ Công Thương cũng đã đến thăm nhà máy của Samsung, nhưng rồi, vẫn như cưỡi ngựa xem hoa, chẳng có hợp đồng nào được ký kết. Sau cuộc gặp ấy, vị cố vấn chiến lược, nguyên là cựu đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Ha Chan Ho giờ đây vẫn đang mò mẫm tìm lối ra cho câu chuyện kết nối này.

{keywords}

Samsung, Canon, Intel... đã gắn bó trên dưới chục năm ở Việt Nam, như một minh chứng chắc nịch rằng, chúng ta là điểm đến hấp dẫn!

Canon cũng vậy. Vào Việt Nam từ năm 2001, với tổng vốn đầu tư là 300 triệu USD, phải nói là rất khủng ở thời điểm đó và chỉ có 7 nhà cung cấp linh kiện, đến nay, Canon đã có hơn 100 nhà cung cấp linh kiện, đạt tỷ lệ nội địa hoá tới 60%. Tuy nhiên, trong số đó, cũng chỉ có 10% là doanh nghiệp Việt, cung cấp những chi tiết đơn giản cho Canon.

Gần đây, một doanh nghiệp tên tuổi của Nhật Bản là hãng sản xuất máy in, photcoppy... Fuji Xerox công bố mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Nhà máy hiện nay ở Hải Phòng mới đạt một nửa mục tiêu về sản lượng, doanh thu. Năm 2012, hãng này đã quyết định chuyển một phần dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc sang vì nhận thấy những lợi thế so sánh vượt trội ở Việt Nam. Trả lời báo VietNamNet, Chủ tịch Masaakia Nabeta cũng khẳng định, đã đạt tỷ lệ hoá tới 50% về giá trị và tới 70% về số lượng chi tiết, đồng thời, sẽ phấn đấu, nâng tỷ lệ này lên 90% vào năm 2018. Song thực tế, cái phần nội địa hoá trên vẫn chỉ là FDI 100% với nhau.

Cũng như các vị lãnh đạo của Samsung, Canon từng phát biểu, ông Nabeta khẳng định rất muốn tìm nhà cung cấp Việt Nam, nhưng thực tế, sản phẩm của Fuji Xerox rất khó tính, đòi tiêu chuẩn, kỹ thuật trình độ cao. Dù muốn hay không, chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian để hãng có thể bắt tay được với một DN Việt nào đó.

Có ép được đâu

Chia sẻ tại cuộc hội thảo về tác động của FDI hôm 9/4, do Trung tâm dự báo kinh tế xã hội quốc gia tổ chức, TS Vũ Quốc Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ KHĐT giãi bày, có quá nhiều thách thức đang diễn ra cho mối liên kết giữa hai bên.

"Muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của cac FDI, đòi hỏi tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả, công nghệ rất cao, doanh nghiệp trong nước phải phá vỡ được một mắt xích để thay thế mình vào đó. Nhưng việc này rất khó khăn", ông Huy chia sẻ.

{keywords}

Tác động lan toả của FDI chưa tương xứng, chuyển giao công nghệ chưa nhiều.

Ông nhìn nhận, sẽ phải tăng cường vai trò hỗ trợ, làm cầu nối của Nhà nước nhưng việc này còn phụ thuộc vào bản thân nội tại ở các doanh nghiệp nữa.

Là một trong những vị quan chức đôn đáo cho các chiến dịch kết nối của Samsung, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài, Bộ KHĐT cũng phải thừa nhận: "Liên quan đến chuyển giao công nghệ, chúng ta có bắt ép được người ta đâu. Thích chuyển giao thì chuyển giao, còn không thì thôi".

"Hiện nay, có hơn 18.000 FDI thì 82% doanh nghiệp là 100% vốn FDI, vậy thì ai chuyển cho ai? Nếu là liên doanh với doanh nghiệp Việt thì công nhân, kỹ sư Việt còn học mót một ít của họ. Nhưng rồi, chuyển giao công nghệ xong thì có khi lỗi thời", ông Hoàng nói.

Vị Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài cũng ngậm ngùi nói, tác động lan toả của FDI chưa tương xứng, chuyển giao công nghệ chưa nhiều. Chưa hết, có một nỗi lo ngại không kém phần quan trọng là các doanh nghiệp Việt đang chậm chân, lép vế FDI trong cuộc chơi mới của cộng đồng đồng ASEAN, hiệp định TTP chuẩn bị ký kết, rồi các FTA với Hàn Quốc, Bắc Âu...

"Việt Nam sẽ là một mắt xích trong chuỗi 55 các quốc gia từ Đông sang Tây, trong đó có 20 nước là G20. Thế nhưng, doanh nghiệp Việt Nam ta vẫn còn thụ động. Ngoài dệt may, tôi cảm giác các DN ngành khác chưa chuẩn bị nhiều", ông Hoàng nói.

"Trong khi đó, nguồn nhân lực sẽ được luân chuyển trong ASEAN, nước bạn có tác phong công nghiệp lâu, dây chuyền sản xuất hiện đại, có tiếng Anh, tiếp cận nhanh. Nhân lực của chúng ta cứ nói là dồi dào, có tay nghề chịu khó, nhưng hiệu suất lao động kém hẳn", ông nhận xét.

Theo ông, để giải quyết cốt lõi vấn đề này, việc đầu tiên vẫn phải làm là phát triển công nghiệp hỗ trợ, bản chất là các DN nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương đang soạn thảo Nghị định hỗ trợ, có cái khó là nhiều cơ chế vượt trên Nghị định, phải nằm ở Luật mới giải quyết được. Do vậy, cần phải nâng lên thành Luật Công nghiệp hỗ trợ thì mới có đột phá về chính sách hỗ trợ, mới tạo điều kiện cho tính lan toả của FDI. Ngoài ra, phải có những chương trình hỗ trợ cụ thể ở từng ngành, từng lĩnh vực", ông Hoàng đề xuất.

Về phía Bộ KHĐT, ông Hoàng khẳng định sẽ tập trung nhiệm vụ xúc tiến đầu tư tại chỗ, thu hút FDI chất lượng cao, thay vì cứ tổ chức nhiều đoàn đi nước ngoài, vừa tốn kém, vừa không hiệu quả.

Phạm Huyền