Thách thức phát triển công trình xanh

Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển, đặc biệt là vấn đề suy thoái tài nguyên, cạn kiệt nguồn năng lượng hóa thạch, gia tăng phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường. Hiện nay, với mức tiêu thụ 40% năng lượng tính trên toàn cầu, các công trình xây dựng trở thành nguyên nhân gây biến đổi khí hậu.

Với việc hạn chế được một phần khí thải nhà kính từ các công trình xây dựng, mô hình công trình xanh là một trong những giải pháp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và được dự báo sẽ sớm trở thành một xu hướng phổ biến trong tương lai.

{keywords}
 Nhà máy Tetra Pak Bình Dương rộng 34,6 ha, được phủ xanh với 31 loại cây, giúp tăng lượng oxy trong nhà máy lên 4 lần

Ông Đỗ Thanh Tùng - Viện trưởng Viện kiến trúc Quốc gia đánh giá, khi đáp ứng các tiêu chí của công trình xanh, sẽ được thụ hưởng những lợi ích như tăng 3 - 5% năng suất lao động của người sử dụng công trình; giảm nguy cơ bệnh tật và nâng cao sức khỏe người sử dụng; giảm 30 - 50% tài nguyên nước và năng lượng nhân tạo, qua đó giảm phát thải khí nhà kính; giảm 10 - 15% chi phí vận hành và bảo dưỡng; tăng giá trị, sự bền vững và tuổi thọ công trình.

KTS Trần Huy Ánh - Hội KTS Hà Nội cho rằng, việc phát triển công trình xanh không chỉ có lợi ích về sức khỏe cho con người mà còn mang lại lợi ích lớn về kinh tế.

Theo tính toán, những công trình xanh thường tiết giảm được khoảng 30% phát thải khí nhà kính, khí ô nhiễm của ngành xây dựng, nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu và mưa axit.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư công trình xanh giảm từ 10 - 15% so với công trình xây dựng thông thường và chi phí vận hành cũng giảm từ 20 - 30%. Vì vậy, các dự án xanh càng vận hành lâu dài thì lợi ích kinh tế và tiết kiệm được chi phí vận hành càng lớn.

Điểm nóng công nghiệp

Một trong những điểm nóng hiện nay là phát triển công nghiệp theo hướng xanh, bền vững, đây là con đường đúng đắn và hợp lý, nhất là trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang diễn ra từng ngày và nguồn tài nguyên thiên nhiên dần bị cạn kiệt.

Tính đến hết năm tháng 4/2020, Việt Nam có 76 dự án đã đạt chứng nhận LEED, trong đó công nghiệp là ngành chiếm tỷ lệ cao nhất (60%), tiếp theo là khối văn phòng 23%, kho bãi chiếm 6%, còn lại là những ngành khác.

Bà Doris Leuthard, Ủy viên Hội đồng LB Thụy Sỹ, Việt Nam cho rằng, đã phải đánh đổi để có được tốc độ tăng trưởng này khi phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc quản lý kinh tế và môi trường.

"Vì vậy, tăng trưởng xanh cần là một chủ đề được đặc biệt ưu tiên đối với Việt Nam", bà Doris nhấn mạnh.

Chương trình hành động quốc gia về sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2020 - 2030 đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã trình Thủ tướng phê duyệt Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Những nhân tố tiên phong tích cực đã dần tạo nên hiệu ứng thị trường khi hàng loạt doanh nghiệp đã ghi tên các nhà máy của mình vào danh sách xanh. Theo Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), năm 2019, Việt Nam có 16 dự án được cấp chứng nhận công trình xanh chuẩn LEED của Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ, trên tổng số 19 dự án đăng ký cấp chứng nhận này. Trong đó phải kể tới nhiều dự án như Nhà máy điện Schneider, nhà máy Coca Cola, nhà máy Pamper Việt Nam, Nokia Bắc Ninh,...

Mới đây, nhà máy sản xuất hộp giấy vô trùng đầu tiên của Việt Nam, do công ty cung cấp giải pháp đóng gói và chế biến thực phẩm của Thụy Điển là Tetra Pak xây dựng tại Bình Dương, vừa được trao Chứng chỉ LEED Vàng – Phiên bản 4, phiên bản mới nhất với những tiêu chuẩn khắt khe nhất về môi trường. Đây cũng là nhà máy đầu tiên đạt chứng chỉ LEED cấp độ Vàng trong ngành công nghiệp sản xuất giấy và bao bì của Việt Nam.

Được biết, bốn công trình gồm, tòa nhà sản xuất, văn phòng, tòa nhà hỗ trợ và nhà kho của nhà máy Tetra Pak Bình Dương đều đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn LEED Vàng. Xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn xanh gần như cao nhất này (chỉ sau cấp độ Bạch kim - Platinum), nhà máy đã tiết kiệm 17.6 triệu lít nước/năm, tái sử dụng và tái chế 65% chất thải, giảm phát thải 4.000 tấn CO2 ra môi trường mỗi năm.

{keywords}
Nhà máy Tetra Pak Bình Dương là nhà máy sản xuất hộp giấy vô trùng đầu tiên của Việt Nam được trao Chứng chỉ LEED Vàng – Phiên bản 4.

Bên cạnh đó, nhà máy này còn tạo ra môi trường làm việc lành mạnh và nâng cao năng suất lao động cho công nhân viên làm việc ở đây, khi hơn 70% sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về phát thải hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, và đạt được tiêu chuẩn chất lượng không khí đối với 37 hợp chất. Riêng nồng độ formaldehyd thấp hơn tới 66% so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Bên cạnh đó, nhà máy còn được phủ xanh với 31 loại cây, giúp tăng lượng oxy trong nhà máy lên 4 lần.

Điều này cho thấy các nhà máy tại Việt Nam khi áp dụng các tiêu chuẩn công trình xanh đã mang lại những lợi về ích kinh tế và môi trường rất lớn. Dù có những thách thức nhưng phát triển công trình xanh vẫn sẽ là xu thế tất yếu của Việt Nam.

Thế Định