Từ Nhiệt điện Thăng Long...

Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long tọa lạc tại xã Lê Lợi, một xã miền núi ven biển của huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh với tổng diện tích 124,44ha, bao gồm nhà máy chính, bãi thải xỉ, cảng than và khu vực phụ trợ khác, tổng vốn đầu tư khoảng 900 triệu USD. Nhà máy có công suất thiết kế 620 MW với hai tổ máy số 1 và số 2, được áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới với lò hơi theo thiết kế và công nghệ chế tạo của hãng Alstom (Pháp); hệ thống đo lường và điều khiển được chế tạo và cung cấp từ Yokogawa (Nhật Bản) và một số nước G7. Trong năm 2018, hai tổ máy được đưa vào vận hành thương mại, đóng góp lên lưới điện quốc gia 2.400 tỷ MWh. Từ đầu năm 2019 đến nay, sản lượng điện Nhà máy đạt 3.700 tỷ MWh.

Bên cạnh đầu tư lớn cho công nghệ lò hơi tiên tiến, Geleximco rất chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường. Tập đoàn đã đầu tư hơn 6 triệu USD cho hệ thống băng tải ống kín vận chuyển xỉ trong nhà máy ra bãi thải xỉ để tránh phát tán bụi ra môi trường.

{keywords}
Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long có tổng diện tích 124,44 ha.

Bãi thải xỉ của nhà máy rộng khoảng 57 ha, sức chứa 4,32 triệu m3, lòng hồ được trải hệ thống vải địa kỹ thuật, kèm theo hệ thống thu gom nước mưa đưa về hệ thống xử lý nước thải, sau khi đạt tiêu chuẩn mới thải ra môi trường. Đến nay, bãi thải xỉ đã được hoàn thiện một phần với diện tích 27 ha và đã đưa vào sử dụng.

Tất cả nước thải công nghiệp của Nhà máy đều được xử lý, nước thải dầu mỡ và nước thải nhiễm than được thu gom và tái sử dụng (cho các hệ thống dập bụi) trong điều kiện bình thường và không thải ra môi trường.

Nhà máy cũng lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện, thu giữ bụi để đảm bảo hiệu quả thu bụi luôn lớn hơn 99,75%. Khí thải của Nhà máy cũng đảm bảo đạt tiêu chuẩn cao nhất.

Khí thải, nước thải sau xử lý đều được lắp đặt thiết bị đo trực tuyến và truyền dẫn trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh.

... tới Nhà máy Giấy An Hòa

Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa thuộc Tập đoàn Geleximco với hai dây chuyền sản xuất bột giấy sợi ngắn tẩy trắng và giấy tráng phấn, được xây dựng trên diện tích 223ha tại tỉnh Tuyên Quang. Trong đó, dây chuyền bột giấy có công suất 130.000 tấn/năm, được đầu tư công nghệ nấu liên tục, tẩy trắng không sử dụng Clo nguyên tố (ECF). Hệ thống có khả năng thu hồi đến 95% lượng hóa chất sử dụng trong quá trình sản xuất, góp phần làm giảm giá thành sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Dây chuyền bột giấy bắt đầu sản xuất thương mại từ tháng 2012 và đến nay, sản phẩm bột giấy An Hòa đã được các đơn vị sản xuất giấy hàng đầu tại Việt Nam sử dụng thường xuyên và xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh.

{keywords}
Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa với những công nghệ hiện đại đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, dây chuyền sản xuất giấy cao cấp An Hòa có công suất 140.000 tấn/năm. Hệ thống thiết bị của dây chuyền được đầu tư đồng bộ và hiện đại bậc nhất Việt Nam do các hãng lớn từ các nước G7 cung cấp. Dây chuyền khi đi vào sản xuất sẽ đáp ứng phần lớn nhu cầu giấy tráng phấn trong nước và một phần xuất khẩu.

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Giấy An Hòa, trong quy trình xử lý chất thải khép kín của Công ty, nước thải từ các công đoạn sản xuất được đi theo hai đường cống ngầm qua sàng tách rác đi vào bể gom. Từ đây, nước thải được bơm vào bể lắng sơ cấp để lắng các chất rắn lơ lửng. Nước thải sau bể lắng sơ cấp được bơm vào tháp hạ nhiệt độ và đưa xuống bể trộn hóa chất để đảm bảo môi trường và dinh dưỡng cho vi sinh phát triển. Từ bể trộn, nước thải được chảy sang bể sục khí để nuôi vi sinh. Từ bể nuôi vi sinh, nước thải được bơm sang bể lắng thứ cấp, tại đây cạn bã được lắng xuống đáy và được bơm tới máy ép bùn, nước thải chảy tràn mới được đưa tới hồ vi sinh trước khi thải ra sông Lô.

Sản xuất công nghiệp vất vả, nhưng là gốc của mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh. Hiểu rõ điều đó, những tập đoàn lớn như Geleximco đã ưu tiên lựa chọn công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Mai Hoa