Trong 3 năm từ 2018 - 2020, Việt Nam liên tiếp nhận danh hiệu “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á"; “Điểm đến văn hoá hàng đầu châu Á". Đặc biệt năm 2022, Việt Nam được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) bình chọn là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”.
Theo một khảo sát gần đây của công ty du lịch Klook, thực hiện trên phạm vi 12 quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 71% các bạn gen Z Việt Nam sẵn lòng đầu tư vào các trải nghiệm du lịch văn hóa.
Các thông số trên cho thấy, nhu cầu trải nghiệm văn hóa trong tham quan du lịch ngày càng tăng, là một xu hướng tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững và bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương.
Tạp chí Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan báo chí trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ra đời năm 1993, mang sứ mệnh của một “đại sứ du lịch”, quảng bá vẻ đẹp, con người của thành phố mang tên Bác, du lịch cả nước đến thế giới.
Trong thời gian qua, ban biên tập tạp chí luôn nhận thức được tầm quan trọng ngày càng lớn của văn hóa trong phát triển du lịch, là chỉ dấu riêng của từng vùng đất, mang tới trải nghiệm khác biệt cho du khách. Vì thế, ngay sau dịch Covid-19, ban biên tập Tạp chí Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành làm việc, ký kết hợp tác toàn diện với nhiều địa phương ngoài Thành phố Hồ Chí Minh như Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Bình Thuận, Bến Tre, Khánh Hòa... để quảng bá văn hóa - du lịch, tôn vinh giá trị văn hóa địa phương và ủng hộ phát triển xanh, bền vững.
Đầu tháng 5, Tạp chí Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp tác chiến lược với Công ty TNHH Halotimes nhằm thúc đẩy quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam. Theo đó, 6 tháng còn lại trong năm 2024, Tạp chí Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu ký kết hợp tác toàn diện về văn hóa - du lịch thêm với ít nhất 16 tỉnh thành trọng điểm du lịch. Bên cạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, Tạp chí Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ kết hợp với các địa phương, các chuyên gia văn hóa và phát triển bền vững tổ chức những hoạt động, hội thảo hướng dẫn các đơn vị kinh doanh, khai thác du lịch, những người dân và chính quyền địa phương làm du lịch có trách nhiệm.
Sức hút của những ngôi làng còn lại nhiều giá trị nguyên bản về tự nhiên và văn hóa là tài nguyên vàng trong khai thác du lịch. Những bản làng heo hút như Lô Lô Chải (Hà Giang), Y Tý (Lào Cai) hay những ngôi làng giữa trung tâm đất nước như Đường Lâm, Bát Tràng (Hà Nội), Thiềng Liềng (TP.HCM) luôn có sức hấp dẫn rất lớn với du khách.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng biên tập Tạp chí Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm: “Trong công việc phản ánh và khai thác thông tin về văn hóa, du lịch như một nhiệm vụ được giao, Tạp chí Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời nhận ra những ý nghĩa lớn hơn của người làm công tác quảng bá. Vì vậy, chúng tôi muốn đi sâu hơn để cùng ngành văn hóa, du lịch các địa phương gìn giữ và phát huy những tài nguyên quý giá này”.
Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam để giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế theo đúng tinh thần của Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ thị, Tạp chí Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh xác định rõ sứ mệnh tìm ra và lan tỏa những giá trị văn hóa bản địa đến đông đảo người yêu du lịch trên nhiều kênh thông tin tạp chí sở hữu. Để thực hiện được điều này, Tạp chí Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cần sự đồng thuận của nhiều đơn vị, các doanh nghiệp muốn chung tay thực hiện trách nhiệm xã hội.