- Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Ngoại giao Hoàng Anh Tuấn nhận định sự đi xuống của kinh tế khiến Chủ tịch TQ Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ lần này với vị thế yếu hơn so với lần trước.

- Kính thưa độc giả VietNamNet, chuyến thăm sắp tới đây của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đến Mỹ đang là tâm điểm chú ý của dư luận thế giới. Chuyến thăm này có ý nghĩa như thế nào đối với cán cân quyền lực trên thế giới, trong khu vực, đặc biệt là vấn đề Biển Đông, là chủ đề chúng tôi sẽ trao đổi với TS. Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Ngoại giao, trong chương trình Góc nhìn thẳng hôm nay.

Chào ông Hoàng Anh Tuấn, chào mừng ông đến chương trình Góc nhìn thẳng của VietNamNet. Theo ông, những vấn đề nào sẽ là trọng tâm thảo luận giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Obama khi hai người gặp nhau tại Mỹ sắp tới?

Ông Hoàng Anh Tuấn: Trong chương trình nghị sự của chuyến thăm, có thể thấy ưu tiên của ông Tập Cận Bình và ông Obama là khác nhau. Nhưng tựu trung lại, sẽ có 4 vấn đề quan trọng sau mà họ sẽ thảo luận bên cạnh các vấn đề khác.

Đầu tiên là vấn đề an ninh mạng, vì đây là vấn đề an ninh mà nước Mỹ đặc biệt quan ngại. Là nước phát triển công nghệ lớn nhất, Mỹ cũng là nước dễ bị tổn thương nhất. Ví dụ gần đây là các hacker được cho là từ TQ tấn công vào cơ quan quản lý nhân sự Mỹ, tiếp cận hồ sơ của 22 triệu nhân viên và cựu nhân viên liên bang, làm chính giới và dư luận Mỹ hết sức lo ngại.

Thứ hai là vấn đề an ninh biển, liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông, liên quan đến an ninh, an toàn hàng hải. Đây không chỉ là vấn đề giữa TQ và các nước Đông Nam Á, mà là vấn đề toàn cầu, không thể không ảnh hưởng an ninh Mỹ.

Thứ ba là vấn đề tài chính, kinh tế toàn cầu, thực chất là vấn đề "sức khỏe" của nền kinh tế TQ. Vừa qua, chuyện tỉ giá, sự đi xuống của thị trường chứng khoán... là vấn đề của TQ nhưng đã trở thành vấn đề trong quan hệ Trung - Mỹ và toàn cầu.

Vì TQ hiện là nền kinh tế thứ hai thế giới, hội nhập sâu sắc về kinh tế, thương mại..., bất cứ diễn biến nào trong "sức khỏe" của nền kinh tế này sẽ tác động, ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.

Thứ tư, vì cả hai đều là nước lớn, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, nên họ phải thảo luận các vấn đề toàn cầu, thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của họ và toàn cầu. Các vấn đề này bao gồm sự trỗi dậy của phong trào nhà nước Hồi giáo, di cư ở châu Âu, biến đổi khí hậu, một số điểm nóng về phổ biến vũ khí và vũ khí hạt nhân...

- Đặt trong bối cảnh quan hệ song phương Trung - Mỹ đang có nhiều vấn đề căng thẳng như vậy, chuyến thăm này sẽ ảnh hưởng thế nào đến xu thế hợp tác và cạnh tranh giữa hai cường quốc này trong thời gian tới?

Nhìn quan hệ Trung - Mỹ cũng như bất cứ quan hệ nào, không thể chỉ nhìn thấy mặt căng thẳng, mà có cả mặt hợp tác. Hợp tác - cạnh tranh, hòa dịu - căng thẳng là hai mặt luôn song hành. Mức độ cạnh tranh hay hợp tác phụ thuộc vào yếu tố đầu tiên là khoảng cách sức mạnh của TQ và Mỹ. Thứ hai chính sách đối ngoại của mỗi nước ảnh hưởng đến lợi ích của nước kia.

Thời gian gần đây, dư luận thế giới và Mỹ lo ngại rằng khoảng cách sức mạnh giữa TQ và Mỹ thu hẹp lại rất nhanh. Một số đánh giá cho rằng cùng lắm là năm 2025-2030, TQ sẽ vượt Mỹ. Đánh giá đó dựa trên tốc độ tăng trưởng kinh tế của TQ thời gian qua. Nhưng vừa rồi, một loạt diễn biến trên thị trường chứng khoán và tỉ giá đồng NDT, cho thấy thực tế, khoảng cách giữa TQ và Mỹ không ngắn như các đánh giá quá lạc quan trước đó.

TQ còn phải làm rất nhiều và có thể vẫn sẽ  không bao giờ đuổi kịp Mỹ. Điều này khiến cho câu chuyện cạnh tranh giữa Mỹ và TQ giảm bớt một phần. Lần gặp này giữa ông Obama và ông Tập Cận Bình, vị thế của TQ rõ ràng yếu hơn so với lần gặp trước.

Chính sách đối ngoại của TQ cũng có những yếu tố khiến thế giới và Mỹ lo ngại. Đó là khi TQ mạnh lên về kinh tế, chính trị, sức mạnh tổng hợp thì chính sách đối ngoại sẽ mang tính quyết đoán hơn. Vừa rồi đã có một số câu chuyện khiến các nước trong khu vực và trên thế giới lo ngại.

Một điểm nữa là kể cả khi khoảng cách giãn ra cũng không hẳn tạo ra sự an tâm hơn đối với Mỹ và các nước láng giềng. Đánh giá toàn bộ chính sách đối ngoại của TQ, nhiều người cho rằng ngay cả những lúc yếu hơn, TQ vẫn có thể tạo ra các thách thức an ninh với Mỹ.

Trong quan hệ hai nước hiện nay, một TQ quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến lợi ích an ninh của Mỹ. Nhưng một TQ quá yếu, yếu đi nhanh chóng mà ta gọi là "hạ cánh cứng", cũng tạo ra một thách thức an ninh không kém. Mỹ có nhu cầu về một TQ ổn định, hợp tác trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Đây sẽ là xu hướng chủ đạo trong cuộc gặp giữa hai ông Obama và Tập Cận Bình.

TQ cũng cần môi trường bên ngoài hòa bình, ổn định hơn lúc nào hết, tập trung phát triển kinh tế. Thông điệp này sẽ được TQ chuyển tải không chỉ trong cuộc gặp với ông Obama, mà còn truyền đi khắp thế giới. Để làm được điều đó, TQ phải làm cho Mỹ và các nước trong khu vực yên tâm rằng TQ tiếp tục trỗi dậy hòa bình, cần sự hợp tác để đạt được một vị trí cao hơn ở khu vực và toàn cầu.

Trong ngắn hạn và trung hạn, đây sẽ là thông điệp chính trong quan hệ Trung - Mỹ.

- Với những phân tích về vị thế và xu thế vừa rồi, khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau để giải quyết các lợi ích song phương, vấn đề Biển Đông, đặc biệt chuyện TQ xây dựng và cải tạo đảo, sẽ được đề cập và thể hiện như thế nào?

Biển Đông là một phần trong vấn đề an ninh toàn cầu, phải là một trọng tâm trong cuộc gặp Trung - Mỹ. Nhưng nghĩ cuộc gặp này có thể giải quyết được vấn đề này là quá đơn giản và ngây thơ.

Không bao giờ có thể giải quyết được vấn đề này chỉ qua một cuộc gặp, nhưng ít nhất TQ phải nói cho phía Mỹ và thế giới biết TQ đang có ý định gì đối với Biển Đông. Ngược lại, Mỹ phải nói cho TQ biết những lo ngại của mình đối với những việc TQ đang làm ở Biển Đông, đang gây ra những lo ngại về an ninh đối với các nước Đông Nam Á, Đông Á, và là điều khiến Mỹ không thể an tâm. Câu chuyện bồi đắp, tôn tạo các đảo nhân tạo ở Biển Đông cho thấy các việc làm của TQ chưa đi đôi với các tuyên bố, tạo ấn tượng không an tâm đối với chính giới Mỹ.

Cách giải quyết của Mỹ là đầu tiên cho TQ thấy những quan ngại của họ là có cơ sở. Thứ hai, Mỹ sẽ nêu vấn đề để TQ  thấy rằng rằng điều tốt nhất cho lợi ích của TQ và khu vực là TQ phải dừng việc tôn tạo đảo, tôn trọng luật pháp quốc tế, cùng ASEAN tiến tới đạt COC. Thứ ba, Mỹ sẽ  truyền thông điệp cho TQ, hoặc công khai hoặc ngấm ngầm, về những giới hạn mà Mỹ vạch ra, rằng Mỹ sẽ không công nhận vị thế mới của các đảo này như các đảo tự nhiên, và Mỹ sẽ tiếp tục thực thi các quyền tự do về hàng hải, hàng không ở khu vực Biển Đông, không chấp nhận những tuyên bố và việc làm của TQ.

- Cám ơn ông đã chia sẻ những nhận định của mình. Xin cảm ơn quý vị đã theo dõi và hẹn gặp lại trong các chương trình sau. 

VietNamNet