Cách đây ít hôm, Facebook đã kiện 4 công ty Trung Quốc với cáo buộc bán tài khoản, likes và follower ảo trên Facebook và Instagram.
Đây là một trong những nỗ lực chống lại vô số các "click farm" tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ngoài 4 công ty này, việc mua bán likes hay followers ảo tại quốc gia tỷ dân hóa ra lại đơn giản hơn ta tưởng.
Ví dụ, hãy truy cập nền tảng thương mại điện tử phổ biến nhất Trung Quốc - Taobao, tìm kiếm từ khóa như "Facebook like" hoặc "Twitter follower" và BOOM, cánh cửa dẫn đến sự hão huyền trên internet đã rộng mở.
Hầu hết các "quầy" bán likes và follower ảo, đều tự mô tả là website PR và marketing ở nước ngoài. Số khác lại tự định vị là công ty marketing chuyên tạo dựng nhân hiệu và thu hút người hâm mộ. Sau khi xem tới lui, tôi đã chọn công ty "Grey Grey Technology" vì có nhiều review tốt.
"Đã 10 ngày và lượng fan vẫn ổn định, không sụt giảm. Hậu mãi cũng rất tuyệt vời," một khách hàng bày tỏ sự mãn nguyện trong phần review. Tôi khá băn khoăn, liệu đây có phải review ảo luôn không?
Sau khi liên lạc, con buôn cho biết giá cả trên thị trường "likes ảo" dành cho Facebook và Instagram rơi vào 1,5 - 3 USD cho 100 follower. Bỏ ra khoảng 223 USD (gần 5,2 triệu đồng) là có ngay 10.000 follower trên Facebook, với con số tương tự trên Instagram, con buôn cam kết khách hàng chỉ phải chi ra dưới 300 USD (gần 7 triệu đồng).
Còn Twitter? Con buôn bảo nền tảng này khó nhằn hơn nên giá mua cũng đắt hơn. Twitter của tôi giống như căn phòng để trút buồn bực, nó vắng vẻ và có phần đáng thương. Vì vậy, tôi quyết định mua 100 follower với giá 5,3 USD (hơn 120.000 đồng) để "test" xem có ra gì không.
Con buôn nói thẳng rằng follower ảo thực chất là bot, rẻ thật nhưng cũng đầy rủi ro. Từ năm ngoái, Twitter đã tuyên chiến với bot và các trò gian lận khác - dẫn tới hàng triệu tài khoản "bốc hơi" chỉ sau vài tháng.
"Chúng tôi khẳng định hoạt động lừa đảo này không được dung thứ - và chúng tôi sẽ hành động mạnh mẽ để bảo vệ tính toàn vẹn của nền tảng..." trích một tuyên bố của Facebook.
Hiện tại, Alibaba vẫn chưa đưa ra bình luận về loạt con buôn bán likes và follower ảo trên Taobao.
Còn nữa, lượng follower và likes ảo mà các con buôn Trung Quốc đang bán thực sự đến từ đâu?
Video về các "click farm" đã lan truyền mạnh trên nhiều mạng xã hội cho thấy, quy mô của hình thức kinh doanh này lớn đến mức nào.
Lưu lượng truy cập giả không chỉ để tăng số lượng người theo dõi. Bạn cũng có thể mua các đánh giá năm sao cho cửa hàng của mình trên Google Maps.
Lượt xem video là một phần thậm chí còn lớn hơn của ngành công nghiệp. Chẳng hạn, năm 2017, 2 series truyền hình Trung Quốc đã có hơn 1 tỷ lượt xem chỉ sau 24 tiếng. Điều kỳ lạ là Trung Quốc chỉ có khoảng 750 triệu người dùng internet vào thời điểm đó.
Việc này đã khiến iQiyi, nền tảng được mệnh danh là "Netflix của Trung Quốc", từ bỏ việc đếm lượt xem để đánh giá mức độ phổ biến của video. Vấn đề này vẫn tồn tại bất chấp luật pháp Trung Quốc (mới được bổ sung, sửa đổi từ năm ngoái), dù hình phạt lên tới 2 triệu tệ (gần 7 tỷ đồng).
Nhưng Trung Quốc chỉ là một trong những quốc gia có nhiều "click farm" cho các nền tảng nước ngoài, mô hình kinh doanh tương tự đã có tại Indonesia, Philippines, Bangladesh và Ấn Độ - mục tiêu chính là người dùng mạng xã hội phương Tây.
Cuối cùng, người bán hàng đã giữ lời, lượng follower trên Twitter của tôi đã tăng vọt, chỉ chưa biết bao giờ bị xóa tài khoản thôi...
Theo GenK