Trên lãnh thổ Việt Nam chỉ cho phép thanh toán bằng tiền mặt VND, không cho phép sử dụng CNY (Nhân dân tệ) tiền mặt để mua bán hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam.

Việc ban hành Thông tư 19 là có cơ sở pháp lý, vừa tạo thuận lợi giao thương giữa thương nhân, cư dân trong việc mua bán hàng hóa qua biên giới và tại chợ biên giới phù hợp với tập quán thói quen thương mại vùng biên; đảm bảo trên lãnh thổ Việt Nam chỉ cho phép thanh toán bằng tiền mặt VND, không cho phép sử dụng CNY tiền mặt để mua bán hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam theo đúng tinh thaanh của pháp lệnh ngoại hối; đồng thời tăng cường kiểm soát tiền tệ qua hệ thống ngân hàng, hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại phù hợp với chủ trương, định hướng chỉ đạo của Chính phủ.

Ngày 28/8/2018, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Thông tư số 19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc (Thông tư 19). Thông tư này hướng dẫn Nghị định 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới (Nghị định 14) và thay thế Quyết định 689/2004/QĐ-NHNN ngày 07/6/2004 về việc ban hành quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc.

{keywords}
 


Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối – NHNN – thành viên tổ soạn thảo Thông tư 19.

Việc sử dụng đồng tiền trong thanh toán thương mại được các nước trên thế giới và khu vực quy định như thế nào, thưa ông?

- Trong thanh toán quốc tế, nhiều quốc gia về cơ bản đều không có hạn chế đối với việc lựa chọn đồng tiền trong thanh toán quốc tế, mặc dù vậy đồng USD,  EURO hay các đồng ngoại tệ mạnh vẫn là các đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong thanh toán quốc tế.

Theo số liệu thống kê của SWIFT, đến cuối tháng 12/2017, tỷ trọng các đồng tiền được sử dụng trong thanh toán quốc tế là USD (39,85%), EURO (35,66%),  GBP (7,07%),  JPY (2,96%), CNY(1,61%), CAD (1,57%), và 2 đồng tiền trong khu vực ASEAN, THB (0,94%), SGD (0,84%) cũng lần lượt xếp thứ 10-11 về mức độ sử dụng trong thanh toán quốc tế. Ngoài những đồng tiền nêu trên các đồng tiền khác cũng đang ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong thanh toán giữa các quốc gia.

Trong khu vực, NHTW các nước cũng đã và đang có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy việc sử dụng nhiều hơn đồng nội tệ trong thanh toán song phương với các đối tác, chẳng hạn NHTW Thái Lan đã thiết lập khuôn khổ hợp tác với  NHTW Malaysia, Inđônêsia, Trung Quốc, Nhật Bản để thúc đẩy thanh toán bằng đồng bản tệ, giảm bớt sự phụ thuộc vào các ngoại tệ mạnh, qua đó cũng giúp giảm chi phí chuyển đổi ngoại tệ... Bên cạnh việc thực hiện thanh toán thương mại bằng đồng bản tệ, một số nước còn cho phép thực hiện đầu tư lẫn nhau bằng đồng bản tệ, từ đó tăng cường hội nhập kinh tế và tài chính giữa các quốc gia với nhau.

Vậy đối với thực tiễn Việt Nam, thanh toán bằng đồng bản tệ của các  nước có chung đường biên giới đã được thực hiện như thế nào?

- Đối với thực tiễn Việt Nam, thanh toán bằng đồng bản tệ của các  nước có chung đường biên giới được thực hiện từ nhiều năm nay.

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam chủ trương thúc đẩy hoạt động thương mại với các nước nói chung và với các nước có chung đường biên giới. Triển khai chủ trương thúc đẩy thương mại, trên cơ sở các hiệp định thương mại, hiệp định mua bán hàng hóa vùng biên giới, NHNN Việt Nam đã ký hiệp định thanh toán đối với các nước, trong đó có các hiệp định thanh toán với các nước chung đường biên giới như Lào, Campuchia, Trung Quốc.Tại  các hiệp định nói trên (hiệp định thương mại, hiệp định mua bán hàng hóa vùng biên giới, hiệp định thanh toán) đều cho phép sử dụng đồng bản tệ bên cạnh thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi trong thanh toán thương mại biên giới. Việc cho phép sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán thương mại biên giới  phù hợp với đặc thù, tập quán của thương nhân, cư dân tham gia hoạt động thương mại biên giới.

Đối với thương mại biên giới Việt - Trung, ta đã có Hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới giữa Chính phủ nước CHXHCN VN và Chính phủ nước CHND Trung Hoa, ngày 19/10/1998. Hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới có quy định:

 Điều 1. Mua bán hàng hóa ở vùng biên giới nêu trong Hiệp định này là hoạt động mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa ở vùng biên giới theo quy định của mỗi bên và của cư dân biên giới, thông qua các cửa khẩu biên giới trên bộ, chợ biên giới được hai bên thỏa thuận nhất trí mở tại sáu tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu của Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc theo quy định của Hiệp định tạm thời.

Điều 5. Thanh toán, kết toán trong mua bán hàng hóa ở vùng biên giới giữa hai nước được thực hiện bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi hoặc Đồng Việt Nam hoặc Nhân dân tệ Trung Quốc theo các phương thức thanh toán do hai bên mua bán thỏa thuận. Các vấn đề cụ thể về thanh toán, kết toán do Ngân hàng Trung ương hai nước thỏa thuận.

 Năm 2004, để triển khai hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới, hiệp định thanh toán, NHNN đã ban hành Quyết định 689 hướng dẫn thanh toán đối với các thương nhân tại khu vực biên giới. Từ đó đến nay, bên cạnh việc sử dụng ngoại tệ mạnh trong thanh toán hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc, các thương nhân Việt Nam đã sử dụng đồng bản tệ là VND và CNY để thanh toán, tuy nhiên tỷ trọng thanh toán bằng đồng bản tệ vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ khoảng 5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước.

Ông có thể nói rõ hơn về cơ sở pháp lý của việc ban hành Thông tư 19?

- Thông tư 19 sửa đổi đảm bảo đồng bộ về mặt pháp lý khi Nghị định 14 của Chính phủ được ban hành hướng dẫn Luật Quản lý Ngoại thương:

Cụ thể: Ngày 23/1/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết các hoạt động thương mại biên giới được quy định tại Điều 53 và Điều 54 Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân, cư dân biên giới, các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán, trao đổi hàng hóa quy định trong điều ước quốc tế giữa nước CHXHCN Việt Nam và các nước có chung biên giới. Cụ thể, Điều 53 Luật Quản lý ngoại thương quy định: “1. Hoạt động ngoại thương với nước có chung biên giới với Việt Nam tại khu vực biên giới (được gọi là hoạt động thương mại biên giới) được áp dụng các biện pháp quản lý đặc thù sau đây: a) Quy định về hàng hóa, số lượng hàng hóa, định mức miễn thuế, địa điểm và phương thức đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới; b) Quy định về hàng hóa, địa điểm, phương thức và hoạt động hỗ trợ đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân đã được thoả thuận trong điều ước quốc tế giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước có chung biên giới…. 3. Các hoạt động thương mại biên giới được hưởng một số chính sách quản lý đặc thù về địa bàn, hàng hóa, phí, lệ phí, phương thức thanh toán theo quy định của pháp luật.”

Điều 54 của Luật Quản lý ngoại thương quy định về cơ chế điều hành hoạt động thương mại biên giới tại cửa khẩu biên giới trên đất liền: “1) Hoạt động thương mại biên giới được thực hiện qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Trường hợp hoạt động thương mại biên giới được thực hiện qua cửa khẩu khác, qua nơi mở ra cho qua lại biên giới thì phải bảo đảm các điều kiện, chịu sự giám sát, quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên và pháp luật có liên quan…”

Trên cơ sở hướng dẫn các quy định tại Điều 53, 54 của Luật Quản lý ngoại thương nêu trên, Nghị định 14 đã quy định nhiều nội dung, trong đó có quy định cụ thể về các hình thức thương mại giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc, không chỉ  bao gồm việc mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân mà còn bao gồm mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới; mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới. Đối với vấn đề thanh toán, Điều 4. Thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới quy định:

Hoạt động thương mại biên giới được thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, đồng Việt Nam hoặc đồng tiền của nước có chung biên giới.

Phương thức thanh toán: a) Thanh toán qua ngân hàng. b) Thanh toán bằng tiền mặt. c) Thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu (phần chênh lệch thanh toán qua ngân hàng)”và

Khoản 7 Điều 24 quy định  “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới quản lý, hướng dẫn về thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới”.

Bởi vậy, việc ban hành Thông tư số 19/2018/TT-NHNN là cần thiết để bổ sung hướng dẫn thanh toán đối với các đối tượng là cư dân và trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới và hướng dẫn các phương thức thanh toán, trong đó thanh toán bằng tiền mặt.

Ngoài ra, trong quá trình sửa đổi thông tư thay thế, NHNN cũng rà soát những vướng mắc, bất cập thực tiễn trong thanh toán thương mại biên giới để chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn và tình hình mới, một mặt thúc đẩy thanh toán biên mậu, tạo thuận lợi cho người dân hai nước trong việc giao thương, đồng thời thực hiện tốt hơn việc quản lý nhà nước về ngoại hối áp dụng cho các tỉnh có chung đường biên giới với Việt Nam, tạo sự đồng bộ với các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối hiện nay.

Việc ban hành Thông tư 19 là có cơ sở pháp lý, không chỉ căn cứ vào Nghị định 14, còn căn cứ trên cơ sở các quy định tại:

Pháp lệnh Ngoại hối ngày 13 tháng 12 năm 2005 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số Điều của Pháp lệnh Ngoại hối ngày 18 tháng 3 năm 2013, Điều 26 quy định về  sử dụng đồng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam “Việc sử dụng đồng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.

Hiệp định thương mại biên giới ký ngày 12 tháng 9 năm 2016 giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Hiệp định thương mại biên giới), “Điều 8: Thanh toán trong thương mại biên giới do doanh nghiệp hoặc thương nhân thương mại biên giới và cư dân biên giới thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật mỗi nước, bao gồm:(1). Thanh toán bằng Đồng Việt Nam hoặc Nhân dân tệ Trung Quốc hoặc ngoại tệ tự do chuyển đối. (2). Căn cứ theo quy định của pháp luật mỗi nước, thương mại biên giới có thể tiến hành các hình thức thanh toán thông qua ngân hàng hoặc bằng tiền mặt hoặc hàng đổi hàng…”

Về những nội dung của thông tư 19, đối với đối tượng là thương nhân thì Thông tư quy định phương thức thanh toán cụ thể ra sao?

- Đối với thương nhân:

Theo quy định tại Quyết định 689, thương nhân Việt Nam có hoạt động thương mại biên giới Việt Nam- Trung Quốc được thực hiện thanh toán bằng các phương thức: (i) thanh toán thông qua các ngân hàng được phép của hai nước bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, theo thông lệ quốc tế; (ii) Thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi hoặc VND, CNY thông qua các ngân hàng tại khu vực biên giới; (iii) Thanh toán theo phương thức hàng đổi hàng (phần chênh lệch được thanh toán qua ngân hàng). Đối với thanh toán bằng tiền mặt, chưa có quy định cụ thể. Khi thực hiện thanh toán thương mại biên giới, thương nhân hai nước được lựa chọn đồng tiền thanh toán phù hợp với các quy định tại Quyết định này và các quy định khác của pháp luật.

Tại Thông tư 19, thương nhân được sử dụng các hình thức thanh toán tương tự như quy định tại Quyết định 689. Về mặt nguyên tắc, thương nhân có hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới thực hiện thanh toán bằng hình thức thanh toán qua ngân hàng qua tài khoản bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi mở tại ngân hàng được phép, tài khoản đồng Việt Nam, đồng Nhân dân tệ mở tại chi nhánh ngân hàng biên giới.

Đối với thanh toán bằng tiền CNY và VND tiền mặt, chỉ được phép thực hiện trong trường hợp thương nhân xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 14 nhằm khuyến khích hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, để kiểm soát chặt chẽ hoạt động thanh toán bằng tiền mặt này, đảm bảo theo đúng tinh thần của ND 14 theo hướng kiểm soát chặt chẽ, Thông tư 19 đã quy định theo hướng thương nhân chỉ được nhận thanh toán bằng tiền mặt (VND, CNY) trên cơ sở hợp đồng xuất khẩu hàng hóa và nộp ngay vào tài khoản mở tại ngân hàng thương mại trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tiền, không cho phép lưu thông trên thị trường lượng CNY tiền mặt này. Chi nhánh ngân hàng biên giới kiểm tra chặt chẽ chứng từ, hồ sơ khi khách hàng nộp tiền mặt vào ngân hàng. Nguồn thu tiền mặt từ mỗi hợp đồng xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới chỉ được nộp vào một tài khoản thanh toán (bằng VND hoặc CNY) mở tại chi nhánh ngân hàng biên giới…

Như vậy, quy định về cơ chế thanh toán biên mậu tại Thông tư 19 về cơ bản tiếp tục áp dụng các cơ chế đã được Quyết định 689 quy định và áp dụng trên thực tế từ năm 2004 đến nay. Bên cạnh đó, Thông tư 19 đã bổ sung hướng dẫn cụ thể về thanh toán bằng tiền mặt (là nội dung mà Quyết định 689 chưa quy định cụ thể) để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Còn đối với thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới và giao dịch tại chợ biên giới thì được quy định cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Khi tham gia thương mại biên giới, cư dân có giao dịch hàng hóa qua biên giới hoặc các cư dân, thương nhân kinh doanh tại các chợ biên giới được sử dụng đồng Việt Nam hoặc CNY để thanh toán qua ngân hàng. Tuy nhiên, việc thanh toán bằng CNY khi mua hàng hóa, dịch vụ tại chợ biên giới chỉ được thực hiện bằng chuyển khoản, đồng thời phạm vi chợ biên giới cũng được quy định rõ và rất hạn chế, cụ thể:

Thông tư 19 quy định rất chặt chẽ, cụ thể đối với nguồn thu và chi từ tài khoản CNY của các thương nhân, cư dân Việt Nam và tài khoản VND của các thương nhân, cư dân Trung quốc tại Điều 10 và Điều 11. Theo quy định chi tiết về nguồn thu, chi từ tài khoản tại các điều 10 và Điều 11, việc thanh toán bằng CNY đều phải thực hiện qua tài khoản của ngân hàng. Nếu lựa chọn phương thức thanh toán tiền mặt, thì chỉ được thực hiện thanh toán bằng VND (tiền thu được do bán hàng hóa tại chợ biên giới được nộp vào tài khoản VND tại ngân hàng biên giới). Điều đó có nghĩa giao dịch thanh toán bằng tiền mặt tại các chợ biên giới chỉ áp dụng cho VND, không cho phép thực hiện đối với CNY. Đối với tiền mặt CNY, chỉ cho phép thương nhân Việt Nam được rút CNY tiền mặt cho cá nhân làm việc cho thương nhân khi được cử đi công tác tại Trung Quốc và được nộp lại vào tài khoản số CNY tiền mặt đã rút ra theo quy định nêu trên nhưng chi tiêu không hết (trên cơ sở phải xuất trình chứng từ cụ thể liên quan đến việc rút tiền từ tài khoản và Tờ khai nhập cảnh - xuất cảnh có xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số CNY tiền mặt mang vào).  

Theo quy định tại khoản 4 điều 3 Nghị định 14 thì “4. Chợ biên giới bao gồm chợ hoặc khu, điểm chợ biên giới, chợ cửa khẩu và chợ trong khu kinh tế cửa khẩu nằm trên địa bàn xã, phường, thị trấn hoặc khu vực hành chính tương đương có một phần địa giới hành chính trùng với biên giới quốc gia trên đất liền, đồng thời có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân và cư dân biên giới”.Chợ biên giới được quy định rõ và rất chặt chẽ về mặt địa lý, trong đó chợ phải nằm trên địa bàn xã, phường... có phần địa giới hành chính trùng với biên giới quốc gia trên đất liền. Do vậy, hoạt động thanh toán bằng CNY chuyển khoản khi mua hàng hóa, dịch vụ chỉ áp dụng cho các giao dịch tại các chợ biên giới (với phạm vi địa lý – hành chính rất hẹp nêu trên), không phải áp dụng cho toàn bộ các địa bàn hành chính của 7 tỉnh biên giới.

Những quy định tại Thông tư 19 có đưa lại những thuận lợi gì cho thương nhân, cư dân trong hoạt động thương mại biên giới Việt Trung và trong công tác quản lý Nhà nước, thưa ông?

- Có thể thấy, những quy định Thông tư 19 tạo thuận lợi cho thương nhân, cư dân trong hoạt động thương mại biên giới nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại biên giới và hoạt động thanh toán trong thương mại biên giới.

 Điểm mới lớn nhất tại Thông tư 19 là quy định rõ đối tượng tham gia, phương thức thanh toán, đồng tiền thanh toán phù hợp với từng hoạt động thương mại biên giới của thương nhân, của cư dân biên giới và tại chợ biên giới cho phù hợp với quy định tại Nghị định 14.

 Thông tư có những quy định đảm bảo yêu cầu khuyến khích thanh toán qua ngân hàng, quy định cụ thể về nguồn thu, chi từ tài khoản, kiểm soát chặt chẽ hoạt động thanh toán bằng tiền măt (yêu cầu phải nộp tiền vào ngân hàng theo thời gian quy định và phải xuất trình chứng từ đẩy đủ) làm cơ sở cho các ngân hàng thương mại thực hiện, theo đó góp phần hoàn thiện chính sách quản lý ngoại hối và thúc đẩy thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc, góp phần thực thi chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại phù hợp với chủ trương, định hướng chỉ đạo của Chính phủ.

 Với những quy định tại Thông tư 19 sẽ tạo điều kiện cho cư dân biên giới và các thương nhân có hoạt động giao thương với Trung Quốc. Hoạt động thương mại qua đường mòn lối mở, tại chợ biên giới là hoạt động hàng ngày và với khối lượng không lớn, việc cho phép thanh toán bằng đồng bản tệ giúp thuận tiện cho người dân, họ có thể tiết kiệm chi phí khi không phải chuyển đổi qua một ngoại tệ thứ ba, giảm những rủi ro hay áp lực tỷ giá từ biến động của các đồng tiền trên thị trường thế giới…

 Với Nhà nước, quy định tại Thông tư 19 khuyến khích thanh toán qua tài khoản ngân hàng tại khu vực biên giới, việc thanh toán bằng tiền mặt sau đó phải nộp tiền vào tài khoản ngân hàng giúp Nhà nước có thể quản lý được dòng tiền, quản lý được việc chu chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và tránh được nguy cơ thất thu thuế…

 Việc sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán đang là xu hướng được nhiều nước áp dụng. Thực tế không chỉ riêng Việt Nam và Trung Quốc có cơ chế thanh toán biên mậu cho phép sử dụng đồng bản tệ như vậy. Trên thế giới, các nước có chung đường biên giới, có những hợp tác thương mại song phương thông thường cũng đi kèm các điều khoản về thanh toán bằng bản tệ, như Thái Lan, Myanmar, Nga, Trung Quốc... Có thể nói, những quy định này phù hợp với đặc thù giao thương trên thế giới.

Tóm lại, Thông tư 19/2018/TT-NHNN được ban hành là nhằm hướng dẫn việc thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc theo nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 14  và khắc phục những bất cập trong thực tiễn thanh toán đã thực hiện từ nhiều năm nay. Việc ban hành Thông tư là có cơ sở pháp lý, vừa tạo thuận lợi giao thương giữa thương nhân, cư dân trong việc mua bán hàng hóa qua biên giới và tại chợ biên giới phù hợp với tập quán thói quen thương mại vùng biên; đảm bảo trên lãnh thổ Việt Nam chỉ cho phép thanh toán bằng tiền mặt VND, không cho phép sử dụng CNY tiền mặt để mua bán hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam theo đúng tinh thaanh của pháp lệnh ngoại hối; đồng thời tăng cường kiểm soát tiền tệ qua hệ thống ngân hàng, hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại phù hợp với chủ trương, định hướng chỉ đạo của Chính phủ.

Thuý Lan