Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước, đặt ra các mục tiêu: Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Kinh tế số đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh, không ai bị bỏ lại phía sau.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng...
Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, của địa phương, vùng miền.
Chỉ có đổi mới sáng tạo, Việt Nam mới thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Chuyển đổi số tạo ra cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng và nhân văn rộng khắp “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Chương trình xóa các vùng lõm sóng di động được khởi xướng từ tháng 9/2021 nhằm mục tiêu hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số. Theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), trước thời điểm ngày 1/1/2021, cả nước có tổng cộng 2.418 thôn lõm sóng. Đây là những điểm mà người dân không thể tiếp cận được với sóng di động. Số liệu được tổng hợp và báo cáo từ kết quả thu thập của các địa phương.
Ở thời điểm chương trình Sóng và máy tính cho em bắt đầu được triển khai, Việt Nam vẫn còn hơn 2.000 điểm lõm sóng di động. Tuy nhiên, số lượng điểm lõm sóng đã giảm mạnh chỉ sau một năm.
Theo Cục Viễn thông, hiện cả nước vẫn còn 226 thôn chưa được phủ sóng (chiếm 0,27% lượng thôn, bản). Nguyên nhân của tình trạng này là bởi 148 thôn trong số đó chưa có điện hoặc điện lưới không đảm bảo cho trạm hoạt động.
Ngoài ra, có 88 thôn lõm sóng chỉ có dưới 50 hộ gia đình. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông chưa triển khai được trạm BTS tại 30 thôn lõm sóng do gặp khó khăn về điều kiện thời tiết, địa hình.
Vừa mới đây, trên nghị trường Quốc hội, kỳ họp tháng 11 vừa qua, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (đoàn Bạc Liêu) nêu vấn đề, Bộ TT&TT đặt ra mục tiêu vào năm 2025, 100% dân số sẽ được phủ sóng mạng 4G và đến năm 2030, 100% dân số được phủ sóng 5G.
Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh đề nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT nói rõ về kế hoạch trên sẽ thực hiện như thế nào, lộ trình cụ thể trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc phủ sóng 4G và 5G có nhiều thuận lợi và sẽ nhanh hơn vì đã có hạ tầng của sóng 2G, 3G.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, thuê bao 4G đến thời điểm này đã đạt 99,8% dân số, dự kiến năm 2025 sẽ đạt được mục tiêu.
Về sóng 5G, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, dự kiến cuối năm nay sẽ đấu giá tần số. Sau đó, các nhà mạng sẽ triển khai diện rộng trên toàn quốc 5G.
Người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng, điều thuận lợi trong việc phát triển sóng 5G là các nhà mạng sẽ lắp đặt trên hạ tầng cũ - cột ăng-ten của 2G, 3G. Do vậy, thời gian đầu tư phủ sóng 5G sẽ rất nhanh.
“Năm 2030, chúng ta sẽ đạt mục tiêu phủ sóng 5G, nhưng tôi nghĩ là sẽ sớm hơn”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.
Tại hội trường, đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) cho biết, trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT từng nêu tinh thần sẽ phủ sóng triệt để các thôn, bản vùng miền núi. Phấn đấu năm 2023 hoàn thành việc cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại các thôn bản, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới, hải đảo.
Theo đại biểu đoàn Cao Bằng, giai đoạn 2021-2023, Bộ TT&TT đã tích cực đầu tư hạ tầng số, phủ sóng toàn quốc với 99,73% thôn bản, hoàn thành 1.071/1.760 thôn bản có sóng di động.
“Hiện còn 689 thôn, trong đó có 562 thôn thuộc khu vực đặc biệt khó khăn chưa có sóng di động. Xin Bộ trưởng cho biết, hết năm 2023 có hoàn thành mục tiêu hay không?”, đại biểu đoàn Cao Bằng nêu câu hỏi.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, từ năm 2021 khi xảy ra đại dịch Covid-19, ngành giáo dục phải tổ chức dạy học trực tuyến và Chính phủ đã có Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Cùng với đó, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các nhà mạng, các Sở TT&TT rà soát từng vùng lõm sóng.
“Thậm chí có những vùng miền núi chỉ vài chục nóc nhà nhưng chúng ta đã tiến hành phủ sóng từng vùng lõm sóng này. Hiện nay, có 2.100 vùng lõm sóng được phủ sóng. Có một thông tin rất vui là tỷ lệ phủ sóng điện thoại 4G của Việt Nam hiện nay là 99,8% xét trên dân số. Những nước thu nhập cao thì trung bình chỉ đạt 99,4%”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Người đứng đầu ngành TT&TT cho biết, năm 2023, sau khi rà soát, các địa phương phát hiện thêm 420 điểm lõm sóng. Bộ TT&TT đã đưa vào kế hoạch sử dụng Quỹ viễn thông công ích để trước tháng 6/2024 phủ sóng các điểm lõm này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong các điểm lõm sóng được phát hiện thêm, có 150 điểm chưa có điện. Do vậy, Bộ TT&TT đã làm việc với Tập đoàn Điện lực để bàn giải pháp đưa điện đến những vùng này. Trong trường hợp khó khăn thì sẽ có giải pháp dùng điện mặt trời.
“Có lẽ về phủ sóng vùng sâu, vùng xa thì Việt Nam làm rất tốt vì chúng ta có Quỹ Viễn thông công ích do các nhà mạng đóng góp”, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhìn nhận.
Từ năm 2020, Việt Nam đã được xem là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và ứng dụng 5G nhờ vào tầm nhìn của Chính phủ. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G lên đến 99,8% và Việt Nam đã triển khai thử nghiệm 5G tại 59 tỉnh, thành.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 xác định mục tiêu phát triển hạ tầng viễn thông là hạ tầng thiết yếu cho xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phục vụ cho chuyển đổi số toàn diện.
Theo báo cáo của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2023, hạ tầng viễn thông và hạ tầng số đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, từng bước đáp ứng vai trò là hạ tầng kinh tế kỹ thuật quan trọng của chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Mặc dù là một nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, nhưng theo Cục Viễn thông, Việt Nam có độ phủ sóng 4G cao hơn các nước phát triển có thu nhập cao. Cụ thể, độ phủ 4G tại Việt Nam là 99,8%, các nước thu nhập cao có độ phủ là 99,4%. Đây là nỗ lực của ngành thông tin truyền thông trong quá trình phổ cập hạ tầng viễn thông, đặc biệt là chương trình sóng và máy tính cho em để bảo đảm việc học và làm việc trực tuyến.
Cũng theo Cục Viễn thông, tỷ lệ người dùng sử dụng smartphone/tổng số người dùng điện thoại di động trong năm qua tiếp tục tăng lên tới 84,4% (cao hơn mức trung bình của thế giới là 63%). Đây là nỗ lực của ngành thông tin truyền thông hướng đến mục tiêu 100% người dùng có điện thoại thông minh vào cuối năm 2024.
Độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình gần 80% so với trung bình thế giới khoảng 60%. Kết quả này nhắm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số toàn dân toàn diện, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số.
Mục tiêu được đặt ra đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ tới 100% xã, trên 80% hộ gia đình; 100% số thuê bao di động là băng rộng; tỷ lệ người sử dụng Internet đạt trên 80%; 100% dân số trong độ tuổi trưởng thành có điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%.
Cước phí data tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp, chỉ bằng một nửa mức trung bình của thế giới. Nhờ vậy, mọi người dân đều có cơ hội để có thể sử dụng internet, tiếp cận không gian số.
Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng địa chỉ internet thế hệ mới Ipv6 của Việt Nam đứng thứ 2 tại ASEAN và thứ 9 toàn cầu, xếp trên cả các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ hay Canada. Điều này giúp Việt Nam có cơ sở và tiềm năng để tăng tốc trong phát triển IoT và thúc đẩy nền kinh tế số.