Thừa Thiên Huế có đường bờ biển dài hơn 120km, là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề khai thác thủy sản. Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển khai thác hải sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

anh 2ss.jpg
Nghề biển đã tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho ngư dân.

Toàn tỉnh hiện có 678 tàu cá đăng ký trên hệ thống dữ liệu quốc gia, trong đó tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15 m trở lên là 431 chiếc và đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, có 14 chiếc từ 24 m trở lên; tỷ lệ cấp giấy phép khai thác thủy sản đạt 99,4%. Ngoài những tàu lớn đánh bắt xa bờ, người dân nhiều địa phương trên địa bàn cũng đang sinh sống bằng các nghề khai thác ven bờ với các tàu công suất nhỏ. 

Nghề biển đã tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hơn 10.000 hộ gia đình với hơn 21.000 lao động, trong đó lao động khai thác hải sản xa bờ khoảng 5.000 người.

Trên địa bàn tỉnh có 2 cảng cá đang vận hành khai thác là Cảng cá Thuận An (phường Thuận An, Thành phố Huế) và Cảng cá Tư Hiền (huyện Phú Lộc), có 2 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là Khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải (xã Phú Hải, huyện Phú Vang), đáp ứng khoảng 200 tàu cá xa bờ và Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá tại xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc), đáp ứng cho khoảng 420 tàu có công suất từ 35-200 CV.

Để giúp ngư dân Thừa Thiên Huế vươn khơi bám biển, bám ngư trường, nhiều “tổ tàu thuyền an toàn trên biển” đã được thành lập. Khi tham gia tổ, các thành viên được hỗ trợ trang thiết bị thông tin; được ưu tiên xét, cấp phương tiện, trang bị thông tin liên lạc, định vị vệ tinh, quan sát phương tiện an toàn, cứu sinh… 

Trong những năm vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định việc chống khai thác IUU là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với các đơn vị thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về chống khai thác IUU. Các Đoàn công tác liên ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình hoạt động trên biển. Qua đó, kêu gọi các chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân thực hiện tốt Kế hoạch hành động 180 ngày chống khai thác IUU của Chính phủ về thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ “Thẻ vàng”.

Nhờ đó đến nay, tàu cá tỉnh Thừa Thiên Huế chưa vi phạm đánh cá trái phép ở vùng biển nước ngoài. 

Tại buổi làm việc mới đây với tỉnh Thừa Thiên Huế, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong việc triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần phải triển khai quyết liệt và đồng bộ hơn nữa các giải pháp để đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề nghị tỉnh xây dựng chiến lược lâu dài trong việc chống IUU với việc đánh giá tình hình khai thác, nuôi trồng; xây dựng các quy hoạch; tạo sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp bền vững cho người dân...

Được biết, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Thủy sản Việt Nam giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đến năm 2025, tổng sản lượng khai thác đạt 45.000 tấn, trong đó khai thác biển đạt 41.000 tấn; tổng số lượng tàu thuyền khai thác hải sản 2.100 chiếc, trong đó phát triển hiện đại hóa đội tàu cá khoảng 700 chiếc.

Đến năm 2030, tổng sản lượng khai thác đạt 52.500 tấn, trong đó khai thác biển đạt 48.500 tấn; tổng số tàu cá khai thác vùng khơi ổn định 500 chiếc, sản lượng khai thác vùng khơi đạt 20.250 tấn, nâng cấp công suất tàu khai thác hải sản xa bờ; giảm dần số lượng tàu thuyền nhỏ nhằm giảm cường lực khai thác ở vùng lộng và ven bờ, bảo vệ tốt nguồn lợi hải sản; phấn đấu không còn nghề khai thác hủy diệt nguồn lợi, môi trường sinh thái đầm phá, ven biển.

Để phấn đấu không còn nghề khai thác hủy diệt nguồn lợi, môi trường sinh thái, những năm gần đây, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp cụ thể để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi nghề cho ngư dân bằng cách hỗ trợ khuyến khích ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu cá công suất lớn để vươn ra khai thác tại các ngư trường xa bờ. Bên cạnh đó, tập trung tìm kiếm các nguồn lực khác hỗ trợ cộng đồng trong đào tạo nghề, hỗ trợ lãi suất ngân hàng để ngư dân có điều kiện chuyển đổi nghề. 

Thuý Tình và nhóm PV, BTV