Ông Đoàn Mạnh Hà, Giám đốc sản phẩm camera BKAV, chia sẻ thực trạng hiện nay trên thị trường camera giám sát. Đó là từ trước tới nay, các hệ thống phân phối tại Việt Nam đã quen với các sản phẩm Trung Quốc, dẫn đến người dùng Việt Nam cũng quen với các thương hiệu đó.
Để người dùng thay đổi quan điểm, chuyển sang camera nội, đòi hỏi hệ thống giải pháp phải có đầy đủ và giá trị gia tăng tốt hơn cho người dùng so với những hãng camera phổ biến trên thị trường. Như Bkav, đó là giải pháp cloud (đám mây) và trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, đem lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng.
Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải có sự đầu tư và nghiên cứu bài bản để phát triển sản phẩm thì mới cạnh tranh được với camera ngoại.
Theo ông Hà, cần có tiêu chuẩn lưu trữ thông tin, kỹ thuật cho camera để giải quyết các nguy cơ mất an toàn thông tin. Ông Hà cho biết, camera cơ bản cần tiêu chuẩn liên quan phần cứng, xuất xứ, nguồn gốc linh kiện, tiêu chuẩn chất lượng COCQ về đảm bảo chất lượng camera.
Bên cạnh đó, cần tiêu chuẩn về firmware (phần mềm), liên quan đến bảo mật, pentest (kiểm thử xâm nhập), dữ liệu lưu trữ trên thiết bị (lưu trữ dữ liệu ở vùng nhớ bảo mật).
Do hệ thống camera tiến tới xu hướng dịch vụ hóa giải pháp giám sát, an ninh, tiêu chuẩn về cloud (đám mây) cũng rất quan trọng. Một hệ thống camera luôn đi cùng một hệ thống cloud cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Một tiêu chuẩn khác là về trí tuệ nhân tạo (AI). Trong tương lai, AI sẽ làm nhiều việc thay cho con người. Đi cùng với công năng là những rủi ro nhất định liên quan đến ra quyết định và xử lý dựa trên thuật toán AI. Bộ tiêu chuẩn AI như thế nào để đáp ứng và kiểm soát rủi ro tối đa.
Cuối cùng là tiêu chuẩn hệ thống sau bán hàng, dịch vụ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng để sử dụng các dịch vụ tốt nhất.
Ông Hà nêu quan điểm, từ góc độ của Bkav khi phân tích thị trường, có nhiều vấn đề nhức nhối liên quan đến bảo mật thông tin. Phần nào cũng liên quan đến thói quen sử dụng của người Việt Nam. Các hãng camera ngoại thường không nghiên cứu sâu về thói quen sử dụng của người Việt Nam.
“Phần cài đặt thường giao phó cho đội ngũ triển khai hay công ty triển khai. Các công ty này không có cách kiểm soát chất lượng sau bán hàng. Vì vậy, khi xảy ra vấn đề, rất khó để có ý kiến với nhà sản xuất trong quá trình làm việc”, Giám đốc camera sản phẩm Bkav nhận xét.
Với các thương hiệu camera Việt Nam, trở ngại này phần nào được xóa bỏ. Chẳng hạn, bản thân Bkav có chính sách kiểm định cho đội ngũ triển khai đạt tiêu chuẩn. Trong phần mềm hệ thống, Bkav cũng nghiên cứu rất sâu thị trường, thói quen người dùng để khi xây dựng phần mềm, đưa tính năng bảo mật để đảm bảo tính an toàn, riêng tư.
Do camera có thể nhìn được, dữ liệu cá nhân vô cùng quan trọng, nếu bị lộ lọt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dữ liệu riêng tư cá nhân. Bkav đặt ra mục tiêu dễ dùng nhưng phải an toàn. Xuất phát từ một công ty an ninh mạng, Bkav kết hợp giữa trung tâm an ninh mạng Bkav và trung tâm nghiên cứu phát triển AI camera, đưa nhiều thuật toán bảo mật lên camera, cập nhật các bản vá bảo mật hàng tháng, có sự cam kết trong hợp đồng với tổ chức, người tiêu dùng.
Ví dụ, Bkav đưa vào phần mềm yêu cầu khách hàng phải thay đổi mật khẩu theo khuyến nghị theo phương pháp của Bkav để bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng. Công ty cũng triển khai các chính sách để đảm bảo tính an toàn. Chẳng hạn, khi triển khai phải đảm bảo dữ liệu người dùng là tối quan trọng.
Ngoài ra, ở Việt Nam có nhiều tổ chức chứng thực về tính bảo mật cho camera, ví dụ NCSC. "Bkav AI là đơn vị đầu tiên xác thực camera tại trung tâm. Đây cũng là những tiêu chí tạo niềm tin cho người tiêu dùng sử dụng camera Make in Vietnam”, ông Hà thông tin.