Lý do công nghiệp chế biến chế tạo kém phát triển
Bộ Công Thương đang tiến hành lấy ý kiến đề nghị xây dựng một luật rất mới là Luật Phát triển công nghiệp.
Theo Bộ Công Thương, thời gian vừa qua, tuy chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp đã có, nhưng nhìn chung, công nghiệp phát triển chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa; nước ta đã không tận dụng tốt được lợi thế đang trong giai đoạn dân số vàng và lợi thế là nước đi sau trong công nghiệp hóa, hiện đang đối diện với nguy cơ giải công nghiệp hóa quá sớm và ở vị trí bất lợi trước những thay đổi của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng năm 2021 cũng đã đề ra định hướng, chỉ tiêu về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cụ thể, Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25% (hiện nay mới đạt 16%).
Bộ Công Thương muốn tạo cú hích cho công nghiệp chế biến chế tạo. Ảnh: Lương Bằng |
Mặc dù vậy, Bộ Công Thương đánh giá, cho đến nay, trong khi hầu hết các phân ngành công nghiệp còn lại đã có Luật riêng để điều chỉnh, thì các hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo lại chưa có luật riêng.
Điều này dẫn đến thiếu một khuôn khổ, hành lang pháp lý cho việc quản lý và triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, định hướng phát triển ngành một cách đồng bộ từ trung ương đến địa phương và giữa các bộ, ngành liên quan, từ đó chưa thể chế hóa hiệu quả các chủ trương, đường lối về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung.
Các chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp và các phân ngành cụ thể (điện tử, dệt may, da giày, ô tô, thuốc lá, giấy,...) đã được xây dựng và phê duyệt, nhưng do không phải là văn bản quy phạm pháp luật, chỉ mang tính định hướng mà thiếu chế tài thực hiện. Thế nên, mặc dù các bên liên quan mất nhiều công sức nghiên cứu, xây dựng nhưng các giải pháp đề xuất hầu như không được triển khai thực hiện..
Bộ Công Thương lưu ý: Có thể nói việc thiếu một hành lang pháp lý và chế tài đủ mạnh khiến cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến chế tạo thời gian vừa thiếu sự đồng bộ và tính liên kết, không phát huy hết được tiềm năng của ngành, không huy động được tối đa nguồn lực phát triển.
Vì vậy, Bộ này cho rằng việc cần thiết hiện nay không phải là xây dựng một đạo luật về việc quản lý và phát triển chung cho tất cả các ngành công nghiệp (đặc biệt là trong bối cảnh khi các phân ngành công nghiệp còn lại đã có luật riêng điều chỉnh), mà cần xây dựng một đạo luật riêng với các cơ chế đặc thù cho việc thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.
Luật về việc phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý và chế tài đủ mạnh giúp cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo phát triển theo các chỉ tiêu đã xác định.
Hạn chế tối đa việc cấp phép
Ngay khi đề xuất này được đưa ra, một số ý kiến đã cho rằng cần đánh giá lại sự cần thiết phải có luật về phát triển công nghiệp, bởi hiện nay lĩnh vực công nghiệp đã có rất nhiều luật quản lý. Việc có thêm luật khó có thể giải quyết được thực trạng yếu kém của các ngành công nghiệp chế biến chế tạo hiện nay.
Trao đổi với PV. VietNamNet, lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) thừa nhận rằng đề xuất này chắc chắn sẽ nhiều tranh luận, vì “người ta nói phát triển công nghiệp có nhiều luật rồi, không cần thêm luật nữa”.
Đại diện Cục Công nghiệp khẳng định tư duy của Luật Phát triển công nghiệp khác với các luật về công nghiệp như Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Hóa chất,...
“Giai đoạn trước, các luật trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam chủ yếu là mang tính chất quản lý nhà nước, chứ không có giải pháp phát triển trong đó. Luật Khoáng sản thiên về quản lý, cấp phép thế nào. Luật Hóa chất, Luật Dầu khí cũng như vậy”, vị này chia sẻ.
Cho nên, tư tưởng làm luật phát triển công nghiệp sẽ khác, tức là giảm chức năng quản lý nhà nước tối đa, đồng thời chủ yếu vấn đề thúc đẩy phát triển, tạo điều kiện cho xã hội tham gia vào lĩnh vực công nghiệp.
“Luật phát triển công nghiệp hạn chế tối đa việc cấp giấy phép”, lãnh đạo Cục Công nghiệp khẳng định.
Giải thích thêm lý do cần xây dựng luật này, đại diện Cục Công nghiệp cho biết: Theo quy định của pháp luật, muốn ban hành các chính sách dưới dạng Nghị định thì phải có luật. Ngoài ra, chỉ có luật hóa mới ràng buộc được trách nhiệm địa phương vào việc phát triển công nghiệp cả nước. Hiện nay, Nghị quyết về công nghiệp ban hành nhiều nhưng không có chế tài để thúc đẩy các địa phương thực hiện. Nếu đến thời điểm nào đó, mục tiêu không đạt được thì cũng không ai phải chịu trách nhiệm.
Ví dụ, luật yêu cầu chiến lược phát triển công nghiệp ở địa phương phải đạt thế này thì địa phương phải bố trí nguồn lực để thực hiện. Còn từ trước đến nay, Nghị quyết ban hành ra nhưng không có sự ràng buộc về mặt pháp lý nên không ban hành được giải pháp nào hết “Không có luật thì không làm được, cho nên buộc phải có luật”, vị lãnh đạo nhấn mạnh.
Vậy chế tài được thiết kế trong luật sẽ được thiết kế như thế nào khi không đạt mục tiêu về phát triển công nghiệp?
Trả lời câu hỏi này, đại diện Cục Công nghiệp cho hay sẽ có chế tài xử lý nếu các cơ quan đơn vị không đạt được mục tiêu, cả cá nhân và tập thể, nhưng trách nhiệm cá nhân nhiều hơn.
Lương Bằng