Giữ vững niềm tin

Lòng tin, tâm thế của người dân trước khả năng chống chọi, kiểm soát dịch bệnh là rất quan trọng, quyết định đến rất nhiều lĩnh vực từ tâm thức xã hội đến phát triển kinh tế. Trong suốt thời gian qua, kể từ khi hai người Trung Quốc đầu tiên bị nhiễm bệnh được phát hiện đến lúc tất cả người bệnh đã bình phục và xuất viện hôm qua, các biện pháp, chính sách phòng chống dịch bệnh ở nước ta là rất kiên quyết và hiệu quả.

Việt Nam tạm ngừng một số tour du lịch, tạm dừng cấp phép đối với một số chuyến bay, kiểm soát chặt chẽ giao thương cửa khẩu, thực hiện kiểm soát y tế tại các cửa khẩu, hạn chế các lễ hội và hội họp đông người, cho học sinh, sinh viênnghỉ học, tăng cường truyền thông các thông tin về dịch bệnh và tác động của dịch bệnh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận những giải pháp và nỗ lực của Việt Nam trong xử lý dịch bệnh COVID-19 là “rất tốt”. Các tổ chức quốc tế đánh giá phản ứng của Chính phủ Việt Nam trước dịch Covid-19 thời gian qua là “rất kịp thời, nhanh, quyết liệt và hiệu quả”. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói hôm họp báo gần đây: “Các ca bệnh được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, tiệm cận với các phác đồ của thế giới và không có gì là cao siêu”. Trong cuộc họp báo mới đây Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá, tỷ lệ tử vong do Covid-19 gây ra không cao như các chủng virus corona khác, trong đó có SARS và MERS. Hơn 80% người mắc Covid-19 chỉ bị bệnh nhẹ và sẽ phục hồi; khoảng 14% ca nhiễm Covid-19 bị bệnh nặng như viêm phổi và khó thở; khoảng 5% người bệnh gặp phải các bệnh nghiêm trọng, trong đó có suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng; và nhất là chỉ có 2% ca nhiễm Covid-19 tử vong và nguy cơ tử vong tỷ lệ thuận với độ tuổi của người bệnh.

Như vậy, đến thời điểm này có thể nói lòng tin của người dân đã được củng cố vào năng lực của Chính phủ trong phòng bệnh; lo ngại về bùng phát dịch bệnh đã được giảm bớt phần nào. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chống dịch không được chủ quan, lơ là, đồng thời không hoang mang”.

{keywords}
Phố đi bộ Nguyễn Huệ/ thành phố Hồ Chí Minh thường ngày đông đúc người qua kẻ lại, những ngày có dịch bệnh corona xảy ra ít ai đi qua đây tụ tập, vui chơi. Ảnh: T.Tùng

Tới đây, dứt khoát chúng ta không được lơ là nhưng đồng thời dứt khoát không hoang mang thì mới chống chọi tốt được với dịch bệnh cũng như khắc phục được những tác động to lớn của nó đến đời đống người dân và phát triển kinh tế.

Không nên nới lỏng tiền tệ

Trong bối cảnh nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn chồng chất do tác động của dịch bệnh, đã xuất hiện ý kiến cần nới lỏng chính sách tiền tệ. Một số quốc gia cũng bắt đầu thực hiện, hay suy tính về chính sách này.

Tuy nhiên, với Việt Nam có lẽ giải pháp này không đúng và trúng để chữa bệnh. Chẳng hạn, ngành du lịch đang gặp khó khăn chồng chất do không có khách du lịch dưới tác động của những chính sách hạn chế visa, hạn chế chuyến bay. Các bãi biển ở Nha Trang, Phú Quốc, hay Hạ Long vắng bóng khách du lịch. Thiếu khách du lịch là khó khăn trực tiếp của ngành du lịch, chứ đâu phải mở rộng tiền tệ, giảm lãi suất là giải quyết được vấn đề? Chúng ta cần tuyên truyền Việt Nam là một điểm đến an toàn, thân thiện cho khách du lịch, nhất là ở những nước hàn đới như Nga. Hơn một trăm ngàn khách Nga vẫn tiếp tục đổ đến các bãi biển Nha Trang là tín hiệu tốt cần được kích thích.

Cách tiếp cận như trên cũng nên được soi vào các ngành sản xuất, dịch vụ khác – những ngành đang bị tác động lớn bởi chuỗi sản xuất đứt gãy. Nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng họ gặp khó khăn là không thể nhập khẩu linh kiện, thiết bị từ Trung Quốc về sản xuất; và sản xuất ra hàng hóa nhưng chưa tìm được thị trường để xuất khẩu. Đứt gãy chuỗi sản xuất là vấn đề, làm sao nới lỏng tiền tệ lại giúp khắc phục được vấn đề trên của doanh nghiệp?

Tỷ lệ tín dụng/GDP ở Việt Nam nhiều năm nay ở mức 150-160%, ở mức cao nhất thế giới. Trong bối cảnh lạm phát đang có dấu hiệu gây áp lực, thì kích thích tiền tệ sẽ tác động ngay đến tâm lý kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp. Hơn nữa, việc mở rộng chính sách tiền tệ quá đà những năm 2007, 2009, để lại nhiều hệ lụy cay đắng suốt cả thập kỷ qua cũng cần phải ghi nhớ.

Vai trò của tài khóa

Trong khi các ngành khó khăn, Nhà nước cần thúc đẩy tỷ lệ giải ngân nhanh để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa tạo vốn mồi thu hút cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư.

Đáng tiếc là tỷ lệ giải ngân đầu tư công rất thấp. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát phát triển nguồn ngân sách nhà nước chỉ đạt khoảng 63% dự toán trong năm trước, theo Bộ Tài chính. Đó là điều rất lãng phí vì tiền ngân sách vẫn nằm im trong kho bạc, thậm chí phải trả lãi như trái phiếu Chính phủ, trong khi nhiều tỉnh thiếu hụt cơ sở hạ tầng trầm trọng cho phát triển.

Trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt ưu tiên tập trung giải ngân đầu tư công. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư công quan trọng quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An, các dự án giao thông và thủy lợi giữ nước ngọt tại vùng đồng bằng sông Cửu long. Không triển khai được các dự án quan trọng này thì lấy đâu ra tăng trưởng cho hiện tại và tương lai?

Khi Luật PPP được Quốc hội thông qua vào tháng Năm tới cũng là động thái rất tốt huy động vốn đầu tư tư nhân. Có các công trình  lớn bằng các nguồn vốn của Nhà nước, tư nhân trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phát điện, mới giúp có tác động lan tỏa, vừa giúp hạn chế tác động của bệnh dịch, vừa giúp tăng trưởng kinh tế.

Thời cơ cho nhiều sáng kiến

Trong nguy bao giờ cũng có cơ và thời dịch bệnh này cũng vậy. Để doanh nghiệp phát triển, an tâm làm ăn trước hết cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho họ chứ chưa cần đến các chính sách mạnh hơn. Đây là cơ hội rất tốt để tiếp tục cắt bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp pháp, bất hợp lý; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính.

Cách đây hơn 1 năm, Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đã gửi báo cáo, trong đó nêu rõ 37 vấn đề vướng mắc, chồng chéo, những nội dung quy định không cụ thể, không rõ ràng xuất hiện trong quá trình thực hiện các luật như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng,… Nhiều lãnh đạo địa phương đã nhận thấy nhiều vướng mắc trong quá trình ra quyết định liên quan đến các luật này đối với doanh nghiệp và họ không biết tuân thủ như thế nào. Họ xin ý kiến của các bộ quản lý ngành nhưng ngay cả các bộ cũng không có ý kiến trả lời cụ thể vì chỉ phản hồi chung chung là “thực hiện theo quy định pháp luật”.

Những khó khăn, vướng mắc này nên được tháo gỡ ngay để tạo điều kiệ cho doanh nghiệp trong bối cảnh này. Tất nhiên, cần một cơ chế động lực để các công chức nhà nước dám và yên tâm khi thực hiện những cải cách này.

Thực tế là còn rất nhiều các chính sách mới khác để thúc đẩy nền kinh tế mà trong khuôn khổ bài viết này khó liệt kê đầy đủ.

Chính phủ chưa điều chỉnh mục tiêu tăng tưởng có lẽ xuất phát từ góc độ tăng trưởng GDP là một chỉ tiêu mang tính pháp lệnh để điều hành nhiều chỉ tiêu về tiền tệ, đầu tư, nợ công, bội chi,… Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn nhằm giữ niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Giữ mục tiêu là cách thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ để nền kinh tế phát triển trong giai này. Nếu giảm mục tiêu tăng trưởng sẽ dẫn đến tâm lý chung của xã hội bị bào mòn không chỉ cho năm nay mà còn đến cả giai đoạn 5-10 năm sau và để vực lại tâm lý, sức sống của cả nền kinh tế sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Nền kinh tế đang rất cần các “liều thuốc” bổ trợ giúp phục hồi nhanh nền kinh tế ngay sau khi dịch qua đi. Sẽ cần các liều thuốc vitamin để giúp nó khỏe mạnh để chống đỡ và vượt qua không chỉ dịch bệnh lần này. Niềm tin của  người dân và doanh nghiệp là quan trọng nhất và để có niềm tin đó không chỉ cần những nỗ lực tiếp nối để phòng chống rủi ro bệnh dịch mà còn cần những quyết tâm trong việc khơi thông cho nền kinh tế.

Diệu Thuý