Mới đây, tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh cho hay, Hòa Bình có vị trí quan trọng, thuận lợi với vai trò là trung tâm kết nối giữa Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Tây Bắc; trong đó Hòa Bình là cầu nối, bệ đỡ cho cả vùng Tây Bắc.
Tuy nhiên, thời gian qua, Hòa Bình vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế khoáng sản, thiên nhiên, khí hậu, vị trí địa lý và nguồn lực đất. Bên cạnh đó, công nghiệp chưa phát triển nhiều. Vì vậy, để phát triển nhanh, bền vững, tỉnh Hòa Bình phải mạnh dạn đưa ra những đột phá, phải có cách tiếp cận với tư duy, tầm nhìn mới, phải có lộ trình cụ thể, xác định mục tiêu, quan điểm, tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò, vị trí của mình.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi ý, Hòa Bình có lẽ không chỉ đầu tư hạ tầng, làm đường cao tốc về Hà Nội, không chỉ dựa vào Quốc lộ 6 như hiện nay mà có thể tính mở đường nối ra Thanh Hóa để tạo động lực mới cho phát triển, kết nối với cảng Nghi Sơn, sân bay, khu công nghiệp, khu kinh tế…
"Hay có nên lựa chọn phát triển công nghiệp ở mức độ phù hợp với lợi thế sát Hà Nội trong bối cảnh dư địa phát triển công nghiệp của Hà Nội sẽ giảm dần và mật độ phát triển công nghiệp trong tương lai sẽ phải san ra cho Hòa Bình… Cần bài toán để đón đầu xu hướng này không?
Hay đối với dịch vụ, Hòa Bình có nên làm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, có làm thủ phủ sân golf của phía Bắc nhờ địa hình đồi núi. Các loại hình du lịch gần Hà Nội với cự ly, phạm vi vừa phải đang có nhu cầu lớn và cơ hội cho Hòa Bình là hiện hữu…", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi mở.
Chia sẻ về bản Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, quy hoạch tỉnh là bản quy hoạch được lập theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch, nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, phù hợp với các quy hoạch quốc gia và quy hoạch của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Nội dung Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030; từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Hòa Bình trong thời kỳ quy hoạch.
Hiện Hòa Bình đang tập trung nhiều nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng. Trong năm nay, tỉnh phấn đấu khởi công tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đây là tuyến đường mà các tỉnh khu vực Tây Bắc rất mong chờ. Sang năm, có thể khởi công cao tốc tiếp nối của đoạn từ Hà Nội - Hòa Bình.
5 khâu đột phá và 6 nhiệm vụ trọng tâm
Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra 5 khâu đột phá phát triển của tỉnh trong thời gian tới, bao gồm: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình; Đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ; Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Tập trung thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Trong 5 khâu đột phá này, 2 khâu được xác định có vị trí then chốt là phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển nguồn nhân lực.
Tỉnh Hòa Bình cũng đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện quy hoạch, đó là: Tạo dựng và phát triển các ngành sản phẩm động lực (ngành quan trọng) cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Động lực của tỉnh trong dài hạn sẽ là các ngành sản phẩm liên quan đến ngành công nghiệp điện và sản xuất cơ khí, thiết bị điện, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch văn hóa, lịch sử dân tộc Mường và sản phẩm “ngôi nhà thứ hai” theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, kết nối giao thông thuận tiện; nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả, sản phẩm thực phẩm sạch chất lượng cao.
Tập trung phát triển vùng kinh tế động lực của tỉnh dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trọng tâm là thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn để các vùng này trở thành đầu tàu tăng trưởng, có vai trò lan tỏa đến các vùng khác.
Giải quyết tốt mối liên kết kinh tế, đóng vai trò là trung tâm kết nối giữa Hà Nội với vùng Tây Bắc. Đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và các kết cấu hạ tầng khác để thực hiện các mối liên kết kinh tế này.
Đẩy mạnh và phát triển đồng bộ, phù hợp và phát huy có hiệu quả kinh tế số. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu quốc gia về chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Có kế hoạch, lộ trình cụ thể trong việc đầu tư, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế số và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có khả năng vận hành, sử dụng kinh tế số.
Phát triển hệ thống doanh nghiệp đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng để tăng cường năng lực cạnh tranh đối với các ngành sản phẩm động lực.
Tạo sự lan tỏa tích cực các thành quả của phát triển kinh tế đến nâng cao chất lượng cuộc sống, môi trường sống của người dân và được bảo đảm bằng nền an ninh, quốc phòng vững mạnh…