Ngày nay, những loại thiết bị máy móc ứng dụng AI đang dần phổ biến trong thời đại công nghệ phát triển. Những loại máy này được sáng tạo và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống, trong đó có cả sản xuất nông nghiệp.
Trí tuệ nhân tạo giúp năng suất cây trồng được tăng lên, cây trồng được khỏe mạnh hơn, kiểm soát sâu bệnh và các điều kiện trồng trọt; tổ chức dữ liệu cho nông dân, giúp giải quyết khối lượng công việc và cải thiện một loạt các nhiệm vụ liên quan đến nông nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm.
Tại Việt Nam, ứng dụng AI vào nông nghiệp vẫn còn khá mới mẻ nhưng đang rất thu hút được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như doanh nghiệp, nông dân vì những ưu thế, lợi ích mà nó mang lại so với nông nghiệp truyền thống. Ngày 26/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về việc Ban hành chiến lược quốc gia nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, trong đó có nội dung: “Thúc đẩy và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, nhằm cải tiến thông minh hóa, tự động hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo quy trình sản xuất, phục vụ việc truy xuất, minh bạch nguồn gốc sản phẩm, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng”.
Tuy nhiên, thách thức cần được tập trung tháo gỡ trước nhất, theo Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Hồ Xuân Hùng cho rằng, cần phải đẩy mạnh truyền thông để người nông dân nhận thức rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, từ đó dần hình thành tư duy mới.
Nhấn mạnh tiếp cận công nghệ là một trong những thách lớn đối với người nông dân trong việc đưa AI vào nông nghiệp, ông Hùng cho rằng để tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ của người nông dân, cần phải trở về với khẩu hiệu từ những năm 80 của thế kỷ trước: “điện, đường, trường, trạm”.
Theo đó, “điện” không còn là chiếu sáng đơn thuần mà điện phải ra đến ruộng, trang trại để phục vụ trực tiếp cho cây trồng, vật nuôi, đáp ứng tất cả yêu cầu để ứng dụng được trí tuệ nhân tạo. “Đường” không phải là đường đi mà là đường truyền dữ liệu. “Trường” là trường đào tạo công nghệ, nâng cao tri thức, trình độ cho nông dân, giúp người nông dân tiếp cận, làm chủ được công nghệ. “Trạm” không phải trạm biến thế mà là trạm lưu trữ dữ liệu, nguồn vốn, công nghệ.
“Có như vậy, người nông dân mới tiếp cận được công nghệ mới, làm chủ được công nghệ và nâng cao kỹ năng sản xuất” - ông Hùng nói.
Một vấn đề khác được Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đề cập đó là đầu tư vào công nghệ mới luôn có sự rủi ro cao; trong quá trình tiếp cận công nghệ, người nông dân cần có sự hỗ trợ, bảo hiểm từ phía các doanh nghiệp.
Ông cho biết, tính kết nối, tính chiếm lĩnh thị trường của người nông dân không cao, muốn dẫn dắt nông dân vào cuộc chơi này cần có sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn trong việc cung cấp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dẫn dắt tiếp cận với cả thị trường và công nghệ.
Theo ông Hùng, để có doanh nghiệp dẫn dắt, kết nối được với các hợp tác xã và người nông dân, nhất định phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nước phải tạo được môi trường để các doanh nghiệp sẵn sàng vào cuộc, thông qua các chính sách khuyến khích, bảo hộ.
Đồng thời, phải khẳng định vai trò cụ thể, lâu dài của người nông dân, phải đào tạo người nông dân trở thành chủ doanh nghiệp, chủ trang trại hoặc cổ đông của các doanh nghiệp. Tất cả các yếu tố đó sẽ giúp cải thiện việc tiếp cận công nghệ trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp Việt Nam.