Trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, việc đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt, đặc biệt là đảm bảo chất lượng dịch vụ viễn thông, Internet đóng vai trò hết sức quan trọng (Ảnh minh họa: Internet)

Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2020 đã ban hành Chỉ thị 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, trong đó yêu cầu thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc.

Theo Bộ TT&TT, trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, việc đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt, đặc biệt là đảm bảo chất lượng dịch vụ viễn thông, Internet đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch của chính quyền các cấp, cũng như đảm bảo nhu cầu thông tin, học tập, làm việc, khám chữa bệnh từ xa... của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Vì vậy, Bộ TT&TT đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành một số nội dung, trong đó có việc ưu tiên cung cấp điện nước tại các địa điểm quản lý, điều hành, vận hành mạng lưới viễn thông (các tòa nhà quản lý, điều hành mạng lưới, các trạm viễn thông quốc tế, khu vực, nội tỉnh; các trạm viễn thông cố định và các trạm thu phát sóng di động) của các doanh nghiệp viễn thông để đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc hoạt động liên tục 24/24.

Trường hợp mạng lưới viễn thông xảy ra sự cố, các cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp buộc phải có mặt tại hiện trường để xử lý, khắc phục sự cố, đảm bảo thông tin liên lạc, vì thế Bộ TT&TT đề nghị các địa phương cho phép các cán bộ, công nhân viên và xe ô tô (đã đăng ký trước với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương) được phép di chuyển, ra vào các khu vực bị cách ly để ứng cứu mạng lưới viễn thông.

Các cán bộ, công nhân viên và phương tiện ra vào các khu vực trên phải đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch theo quy định như mặc trang phục bảo hộ, đeo khẩu trang, găng tay, kính bảo vệ, thực hiện khử trùng toàn bộ người và xe khi ra vào khu vực cách ly.

 Trong trường hợp tại các tòa nhà quản lý, điều hành mạng lưới, trạm viễn thông có người bị nhiễm Covid-19 mức độ F0, buộc phải thực hiện cách ly tập trung các đối tượng khác, Bộ TT&TT đề nghị cho phép bộ phận trực kỹ thuật của doanh nghiệp viễn thông tại các khu vực đó được thực hiện cách ly tại chỗ để vừa tuân thủ quy định của nhà nước về phòng chống dịch, vừa đảm bảo công tác vận hành hệ thống viễn thông không bị gián đoạn. 

Tại Hà Nội, ngay trước đó, Sở TT&TT cho biết đã nhận được kiến nghị của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn thành phố: VNPT, MobiFone, FPT, CMC... đề nghị cho phép phương tiện ô tô và cán bộ kỹ thuật ra vào các khu vực, địa điểm phong tỏa, cách ly để xử lý, ứng cứu thông tin và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp chính quyền Thành phố trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trên cơ sở kiến nghị của các doanh nghiệp, Sở TT&TT Hà Nội đã đề nghị Sở Y tế, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tạo điều kiện cho phép các cán bộ kỹ thuật, nhân viên kỹ thuật cùng phương tiện xe ô tô, các trang thiết bị nghiệp vụ kỹ thuật của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông được phép di chuyển vào các khu vực, địa điểm cách ly để xử lý, sửa chữa, ứng cứu thông tin, sự cố hạ tầng mạng.

Việc này nhằm đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền thành phố Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và nhu cầu sử dụng dịch vụ của nhân dân trên địa bàn.

Sở TT&TT Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông quán triệt, yêu cầu cán bộ kỹ thuật, nhân viên thực hiện đeo thẻ nhân viên, mặc đồng phục công ty, xuất trình các giấy tờ cá nhân khi tham gia ứng cứu, xử lý, sửa chữa thông tin liên lạc tại khu vực cách ly. Tuân thủ các biện pháp khử trùng, sử dụng các trang thiết bị vật tư, thiết bị bảo hộ khi ra vào khu vực, địa điểm cách ly và khai báo y tế theo hướng dẫn của Sở Y tế và các cơ quan chức năng tại khu vực cách ly.

M.T.