Nhiều ý kiến trái chiều trước đề xuất cắt điện nước được cho là biện pháp cưỡng chế đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để bổ sung vào dự thảo luật Xử lý vi phạm hành chính mà QH đang bàn thảo.

Sở Xây dựng TP.HCM vừa qua đã yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ triển khai biện pháp cắt điện nước đối với công trình vi phạm xây dựng trên địa bàn. Việc ngưng cấp điện, nước thực hiện trên cơ sở các điều khoản cam kết trong hợp đồng dịch vụ cấp điện, nước.

{keywords}
Quán cà phê Xin Chào (huyện Bình Chánh, TP.HCM) từng bị chỉ đạo cắt điện, nước sinh hoạt năm 2016 vì xây dựng công trình khác trên đất không được phép xây dựng

Không phải tự nhiên mà các quan hệ kinh tế dân sự được tách riêng khỏi quy định hành chính, pháp luật. Luật Xây dựng năm 2003 có nội dung quy định có thể yêu cầu không cung cấp điện, nước và các hoạt động dịch vụ khác đối với những công trình vi phạm xây dựng. Tuy nhiên, đã được sửa đổi và loại bỏ nội dung này trong Luật Xây dựng 2014. Bộ Công Thương với vai trò quản lý nhà nước cũng đã có hướng dẫn, không được ngừng cấp điện theo yêu cầu của các cơ quan chức năng trong trường hợp vi phạm luật Xây dựng. 

Điện, nước là nhu cầu thiết yếu cho đời sống được mua bán giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ với người dân, quan hệ hợp đồng dân sự. Xử lý vi phạm xây dựng là công tác hành hành chính được thực hiện theo quy định tại các điều khoản pháp lý, hoạt động dưới sự quản lý lãnh đạo bộ máy nhà nước cao nhất là chính phủ để tổ chức thi hành pháp luật.

Mỗi lĩnh vực đều có các quy định pháp luật để xử lý vi phạm cụ thể về xây dựng, đất đai, giao thông, đầu tư, kinh doanh, thuế… Theo đó, cơ quan chức năng các cấp giám sát thi hành pháp luật và thực thi nhiệm vụ được giao như kiểm toán, thanh tra, điều tra.

Người dân được làm những gì pháp luật không cấm. Cơ quan chức năng, cán bộ, công chức làm theo quy định pháp luật. Nghĩa là những gì không có trong quy định thì không được phép làm, yêu cầu ngừng cung cấp điện nước trong trường hợp này chưa phù hợp.

Cơ quan chức năng hãy nâng cao khả năng giám sát, thực thi công vụ nhằm đạt mục đích trong công tác quản lý, điều hành. Như xử lý hành chính các trường hợp vi phạm, lập biên bản phạt tại chỗ, buộc tháo dỡ phần vi phạm, nếu chây ỳ thì cưỡng chế theo pháp luật.

Chẳng hạn, xử lý vi phạm xây dựng trái phép. Với vai trò đại diện cho bộ máy quản lý nhà nước, quản lý trực tiếp địa bàn, gần dân nhất, thật khó biện minh là chính quyền địa phương không biết, không phát hiện hay là người vi phạm bất hợp tác nên không thể xử lý. Phải chăng nhiều nơi có lẽ vì cả nể, dung túng mới để việc xây dựng kéo dài đến khi hoàn thành. Công tác kiểm tra lắm khi hình thức, qua loa, chiếu lệ, thậm chí bao che vi phạm.

Thực tế tình trạng vi phạm về xây dựng diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương trong cả nước, ngày càng tăng. Các công trình vi phạm cũng rất đa dạng từ nhà dân, nhà xưởng, khu đô thị, chung cư cao tầng, tới các biệt thự... Việc xử lý những vi phạm trong lĩnh vực xây dựng lại bất cập, thiếu công bằng và gây bức xúc khi mà có không ít các công trình lớn sai phạm nghiêm trọng nhưng chỉ bị xử lý bằng hình thức phạt hành chính cho tồn tại. Điều này đã và đang vô hình trung khuyến khích hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước, khiến kỷ cương phép nước bị ảnh hưởng xấu.

Có một nghịch cảnh rất dễ thấy, đất đai còn rộng lớn, người dân lại không thể làm nhà ở. Giữa những khu đất cỏ mọc, nhiều căn nhà bị tháo dỡ và đập bỏ vì xây dựng không phép. Thế nhưng, tình trạng xây dựng không phép vẫn không giảm mà ngày càng tăng cao.

TP.HCM có rất nhiều công trình vi phạm xây dựng, cho thấy dấu hiệu ngày càng tăng. Riêng địa bàn huyện Bình Chánh trong khi còn tồn hơn 5.700 công trình vi phạm chưa xử lý xong, thì đã phát sinh thêm và đến nay tăng lên 10.000 trường hợp vi phạm xây dựng.

Vi phạm xây dựng xảy ra phần lớn ở vùng ven Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Tân, Bình Chánh... Khoảng 300 cán bộ, công chức thanh tra xây dựng bị xử lý kỷ luật cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc trong những năm gần đây. Nhiều địa phương đã điều động thay thế nhân sự phụ trách lĩnh vực xây dựng, nhà đất. Tại sao tình trạng xây nhà không phép vẫn diễn ra?

Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ cho biết, mỗi năm trên địa bàn huyện tăng hơn 30.000 người nhưng hàng loạt dự án nhà ở chưa triển khai, kiến nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, cấp phép xây dựng nhà cho người dân có đất trong quy hoạch mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có kế hoạch sử dụng đất. 

TP.HCM hiện có trên 4.800 dự án quy hoạch dự kiến thực hiện trong 4 năm từ 2016-2020. Trong đó, số lượng dự án quy hoạch được triển khai khá ít, rất nhiều dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất khá lâu nhưng vẫn còn nằm trên giấy. Nguyên nhân như quy hoạch không phù hợp, thiếu khả thi, thiếu vốn, chủ đầu tư thiếu năng lực… Kéo theo đó là các quy hoạch xí đất trong nhiều năm trở thành dự án treo khiến cuộc sống người dân đảo lộn, nhà ở xập xệ bán không xong, không chuyển được mục đích sử dụng đất, chấp nhận xây nhà không phép.

Có những gia đình nghèo nhập cư dành dụm tiền sau nhiều năm tích cóp mua được mảnh đất giá rẻ không giấy tờ hợp pháp, không đủ điều kiện xin cấp phép xây dựng, đành làm liều xây nhà không phép. Nhiều người thấy đất bỏ hoang lâu năm vì vướng dự án treo nhưng không thấy điều chỉnh, cấp thiết tìm chỗ ở cũng liều mua với giá rẻ làm nhà tạm.

Mấu chốt vấn đề ở đây, một khi được hóa giải thì các trở ngại khác cũng tự tháo gỡ.

Hãy rà soát lại tất cả các dự án, quy hoạch và có hướng xử lý cụ thể. Nếu khả thi phải triển khai nhanh, giải quyết tái định cư và việc làm cho người dân bị giải tỏa. Mạnh tay loại bỏ những quy hoạch kéo dài đã giao đất nhưng không thực hiện, thu hồi các dự án thiếu khả thi không có cơ sở triển khai để tạo điều kiện cho người dân ở đó xây nhà ở hợp pháp. 

Cần quy hoạch nhà ở phù hợp với mức độ tăng dân số, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển dân số. Nên chăng, bố trí đủ quỹ đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở sao cho người nghèo có thể mua xây nhà và tránh đầu cơ đẩy giá lên cao. Khuyến khích đầu tư dự án nhà ở xã hội như bố trí ưu đãi quỹ đất, miễn thuế sử dụng đất, giảm thuế đầu vào, giảm thuế thu nhập, kéo dài thời gian cho vay với lãi suất thấp. 

Chính quyền vào cuộc xây nhà cao tầng với hàng trăm ngàn căn hộ bán không tính lợi nhuận, đem ra đấu giá kêu gọi nhà đầu tư tham gia được hòa vốn và có lãi từ quỹ đất. Đây còn là cách phát triển nhà ở xã hội kết hợp mô hình thương mại để hình thành những khu đô thị, nhà ở bình dân vừa túi tiền người nghèo. Những nhà ở này có thể vừa phục vụ hiện tại, quy hoạch trở thành đô thị vệ tinh cho thành phố trong tương lai. Hơn 14.000 căn hộ tái định cư để không nhiều năm cũng có thể bán giá rẻ cho người nghèo, thu nhập thấp.

Không nên lợi dụng vị thế độc quyền điện, nước trong quan hệ dân sự làm điều kiện thương lượng, ràng buộc, cưỡng chế vi phạm hành chính trong xây dựng. Không loại trừ khả năng bị lạm dụng làm khó người dân trong vận động đóng góp, kinh tế, dân sự.  Ngoài ra, một khi dùng biện pháp ngừng cung cấp điện, nước để cưỡng chế các vi phạm hành chính dễ xảy ra lạm quyền, có thể trở thành một tiền lệ xấu trong đời sống xã hội.

Kỹ sư Trần Văn Tường

Việt Nam cần mơ giấc mơ ‘kỳ tích sông Hồng’

Việt Nam cần mơ giấc mơ ‘kỳ tích sông Hồng’

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione khuyên Việt Nam cần mơ giấc mơ “kỳ tích sông Hồng” như người Hàn Quốc từng mơ giấc mơ sông Hàn.