Thưa ông, Nghị quyết 02 vừa được Chính phủ ban hành với cam kết tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh. Đâu là những điểm đáng quan tâm trong Nghị quyết đó?

Theo tôi biết, ban đầu có quan điểm không định ra Nghị quyết 02 năm nay nhưng cuối cùng Thủ tướng quyết tâm ra. Điều đó thể hiện tính quyết liệt của Thủ tướng. Ở Việt Nam, cần tạo ra áp lực, các mục tiêu, chỉ tiêu cải cách cụ thể thì các bộ, ngành mới chuyển động. Những năm vừa qua có Nghị quyết 19, rồi Nghị quyết 02, tạo áp lực rất mạnh lên bộ máy nhưng Việt Nam vẫn tụt hạng trong báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới.

Nghị quyết 02 năm nay có ba điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, các chỉ tiêu trong Nghị quyết đưa ra rất cao cho năm nay. Ví dụ, nâng xếp hạng Môi trường kinh doanh trong Doing Business của Ngân hàng Thế giới lên lên 15 - 20 bậc; Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh - GCI 4.0 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 5 - 10 bậc. Các bộ, ngành không chịu chỉ tiêu cao đâu, nhưng Nghị quyết lại đưa ra các chỉ tiêu cụ thể rất cao. Thủ tướng muốn tạo áp lực lên bộ, ngành.

Thứ hai, việc xóa bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành có xu thế chững lại, thậm chí xuất hiện trở lại. Nghị quyết năm nay đưa giải pháp cụ thể và rất mạnh, tiếp tục cắt giảm 50% danh mục kiểm tra chuyên ngành theo mã HS chi tiết, chứ không phải theo mã HS nhóm ngành; chuyển từ kiểm tra tại thông quan sang giám sát, nhấn mạnh đến thông quan một cửa quốc gia, chuyển hải quan làm đầu mối. Chỉ số này của Việt Nam hiện còn thấp và có dư địa cải thiện.

Thứ ba, 10 chỉ số của Ngân hàng Thế giới, nhất là các chỉ số còn dư địa cải cách lớn như khởi sự kinh doanh, phá sản,… đều được nhấn mạnh trong Nghị quyết. Tôi kỳ vọng chỉ số khởi sự kinh doanh tăng được 9-10 bậc nếu bỏ đi 2-3 thủ tục. Chỉ số này của Việt Nam đang bị xếp hạng rất thấp, nhiều năm qua toàn đứng dưới thứ hạng 100 là rất đáng xấu hổ. Tôi từng nói điều này nhiều lần trong các phiên họp của Hội đồng cạnh tranh quốc gia.

{keywords}
Ngay từ năm nay nên xác định chương trình cải cách thể chế của những năm tiếp theo; xác định được nội hàm cải cách thì mới đưa ra được giải pháp.

Nghị quyết 02 nhấn mạnh vai trò các Bộ trưởng như thế nào trong thúc đẩy cải cách, thưa ông?

Nghị quyết nhấn mạnh về trách nhiệm của những người đứng đầu trong tổ chức thực hiện, đề cao vai trò của của các Bộ trưởng. Họ được yêu cầu lấy Nghị quyết này làm tinh thần cải cách, đảm bảo tự do, an toàn kinh doanh, ít tạo rủi ro, chi phí cho doanh nghiệp. Các Bộ trưởng cần bám chặt vào các chỉ số xếp hạng để làm thước đo cho cải cách.

Tôi cho rằng, còn hơn một năm trong nhiệm kỳ, họ cần hiểu Nghị quyết 02 là chương trình cải cách cho ngành mình để chỉ đạo, điều hành. Bất cứ ai cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong bất kỳ lĩnh vực gì phải bị xử lý. Các Bộ trưởng cần lấy tinh thần đó tạo áp lực lên cấp dưới thì cấp dưới dưới mới làm; còn nếu không, cấp trên không có tinh thần này thì ở dưới không thể chuyển động được.

Ông có cho rằng, chỉ Nghị quyết 02 có giúp giải quyết những nút thắt trong môi trường kinh doanh, trong thúc đẩy kinh tế hiện nay?

Chỉ riêng Nghị quyết 02 làm sao mà đủ được vì nó mới chỉ tạo sức ép gỡ bỏ rào cản gia nhập thị trường, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho kinh doanh thôi. Còn rất nhiều rào cản khác, nhất là việc phân bổ nguồn lực theo thị trường để đảm bảo hiệu quả chưa có. Thể chế thị trường nhân tố sản xuất lâu nay có được đề cập đến đâu.

Trước mắt ngay trong năm 2020, tôi cho là cần tập trung làm ngay một số việc cấp bách.

Thứ nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tháo bỏ được các thủ tục để đẩy nhanh dòng đầu tư công bị ách tắc trong mấy năm gần đây. Tình trạng đình trệ đầu tư công không thể kéo dài như thế này được.

Thứ hai, tháo gỡ những rào cản đang trói chân trói tay các doanh nghiệp nhà nước. Họ cần phải được tự chủ hơn trong kinh doanh. Các doanh nghiệp nhà nước cần công khai, minh bạch; thoái vốn nhà nước cần đẩy nhanh hơn nữa.

Thứ ba, CIEM và VCCI có lập một danh sách mấy chục vấn đề vướng mắc trong đầu tư, xây dựng. Tôi cho là cần tháo gỡ các ách tắc này để khởi công được một vài các dự án quy mô lớn và hi vọng rằng, cần có chỉ đạo trực tiếp từ cấp cao để giải quyết. Các vấn đề này hiện tại chưa được để ý đến.

Còn trong trung hạn, theo ông cần tháo gỡ những gì tiếp theo?

Ngay từ năm nay nên xác định chương trình cải cách thể chế của những năm tiếp theo; xác định được nội hàm cải cách thì mới đưa ra được giải pháp; chứ nếu nói chung chung thì không thể tạo đột phá được. Muốn cải cách thể chế, thể chế và thể chế thì cần đưa ra nội hàm, mục tiêu, giải pháp chứ không thể nói chung chung được.

Tôi cho gốc rễ của vấn đề vẫn là thúc đẩy các thị trường nhân tố sản xuất; nguồn lực được phân bổ theo thị trường để đảm bảo hiệu quả; đảm bảo cạnh tranh mới phát triển lành mạnh được, đảm bảo đổi mới, sáng tạo được.

Ví dụ thị trường đất đai, cần thiết kế sao cho quyền sử dụng đất nông nghiệp là tài sản của nông dân, nông dân sẽ vốn hóa được tài sản của họ. Khi nông dân chuyển đổi nghề nghiệp, họ có thể bán được quyền này đi, chứ hiện tại họ không bán được. Luật hiện nay vẫn quy định, nếu không còn là nông dân thì không còn đất. Quy định như vậy thì đất đai không thị trường hóa được.

Ngoài chương trình nông thôn mới ra, phải có chương trình đô thị hóa theo hướng tạo tài sản cho nông dân. Quy hoạch theo hướng đừng lấy đất của nông dân, nông đân phải có phần đất ở đó nhưng ai có năng lực tài chính thì xây nhà theo quy hoạch, không đủ sức thì bán đi. Làm như vậy thì người nông dân mới có tài sản, địa tô mới ở lại với họ, giúp giảm bất ổn xã hội.

Còn có các thị trường công nghệ, thị trường vốn… Quyền tài sản cần phải được đảm bảo, gắn với cạnh tranh thì mới giúp phát triển kinh tế lên được. Về số hóa, cần khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ đi trước, mở mang hạ tầng. Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng là dễ nhất, có nhu cầu, có nền tảng, có thể làm được ngay.

Về thanh toán không dùng tiền mặt, hiện tại hoạt động này vẫn đang gắn với ngân hàng. Tôi muốn Việt Nam có một dịch vụ cạnh tranh với ngân hàng, có thể chấp nhận rủi ro nhưng có thể kiểm soát được. Dịch vụ này không bắt buộc phải có ngân hàng đứng đằng sau, phải tách biệt, cạnh tranh với ngân hàng chứ không phải là bổ sung cho ngân hàng.

Liên quan các luật về kinh doanh, cần phải thiết kế theo hướng theo chọn bỏ - chứ không thể chọn cho. Phần lớn các luật về kinh doanh vẫn dang tiếp cận theo hướng chọn cho. Chọn cho sẽ kìm hãm đổi mới sáng tạo, tạo nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.

Tư Giang thực hiện