Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 toàn hệ thống khoảng 14%, nhằm cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế.
Cổ phiếu ngân hàng bứt phá
Mở cửa phiên giao dịch ngày 11/7, 11 cổ phiếu ngân hàng trong nhóm VN30 đều tăng điểm cho dù thị trường chứng khoán đã tăng khá mạnh với gần 11 điểm trong phiên liền trước (10/7) với diễn biến tích cực đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và chứng khoán.
Chỉ số VN-Index có lúc tăng thêm 5 điểm lên 1.154 điểm, củng cố mốc cao nhất trong hơn 9 tháng qua. Thanh khoản cũng khá tốt sau khi cải thiện mạnh trong phiên đầu tuần. Nhóm các nhà đầu tư cá nhân tiếp tục đẩy mạnh tiền và vượt lên áp lực bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức.
Tính tới 10h sáng, cổ phiếu Ngân hàng Vietinbank (CTG) bứt phá tăng thêm 800 đồng lên 30.500 đồng/cp; Vietcombank (VCB) tăng 500 đồng lên 103.200 đồng/cp; MBBank (MBB) tăng 350 đồng lên 21.100 đồng/cp; Techcombank (TCB) tăng 300 đồng lên 32.300 đồng/cp; TPBank (TPB) tăng 300 đồng lên 18.500 đồng/cp…
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục bứt phá sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng (TCTD) với mức giao toàn hệ thống khoảng 14% nhằm cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế.
Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD được NHNN thực hiện trên cơ sở đề nghị của TCTD, tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD, đảm bảo thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống TCTD.
Trên thị trường chứng khoán, giới đầu tư tin tưởng nhiều ngân hàng đã được cấp theo room thông thường 14% và một số ngân hàng đang chờ NHNN cấp thêm room, đặc biết 4 ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc là: Vietcombank, VPBank, HDBank và MBBank.
Đây là các ngân hàng có phương án tiếp nhận ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc với các cơ quan chức năng.
Các ngân hàng được chọn tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém đều có tài chính lành mạnh và tham vọng lớn. Trong thời gian đầu khi tiếp nhận chuyển giao bắt buộc có thể khiến các ngân hàng phải san sẻ nguồn lực hỗ trợ, nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, điều này sẽ mang lại những lợi ích rất lớn nhằm hiện thực hóa những kế hoạch tăng trưởng mạnh trong tương lai.
Ban đầu kết quả kinh doanh hay những khoản nợ xấu của ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc sẽ không hợp nhất vào báo cáo tài chính của ngân hàng tiếp nhận.
Trong khi đó, mạng lưới hoạt động của ngân hàng sau nhận chuyển giao sẽ mở rộng hơn, quy mô lớn hơn. Bên cạnh đó, các ngân hàng này sẽ nhận được một số hỗ trợ ưu tiên từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là hạn mức tín dụng.
Hạn mức tín dụng cao rất có giá trị trong bối cảnh “room” cho vay của nhiều ngân hàng bị hạn chế, trong khi nhu cầu vay vốn để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh vẫn được dự báo tăng cao trong thời gian tới.
Triển vọng ngân hàng sáng hơn
Nhóm cổ phiếu ngân hàng gần đây có xu hướng tăng còn trong bối cảnh một số dự báo cho thấy lợi nhuận của các tổ chức tín dụng vẫn diễn biến tích cực.
Theo ước tính kết quả kinh doanh do Chứng khoán SSI đưa ra, nhiều ngân hàng có kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận dương bao gồm: BIDV (BID), Vietinbank (CTG), HDBank (HDB), MBBank (MBB), Sacombank (STB), Vietcombank (VCB), VIBank (VIB).
Theo NHNN, đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, tín dụng tăng trưởng 1,56% trong tháng 6. Đây là một con số ấn tượng.
Việc NHNN công bố chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% được xem là cách thức để giúp các ngân hàng thương mại triển khai các kế hoạch kinh doanh của mình. NHNN có thể sẽ nâng room tín dụng của một số ngân hàng sau khi cân đối lại một số nhà băng không dùng hạn mức tín dụng được cấp. Việc lãi suất gần đây giảm cũng góp phần đẩy vốn nhanh ra nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán cũng diễn biến tích cực khi các cơ quan chức năng đẩy mạnh đầu tư công. Trong năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân đầu tư công đạt ít nhất 95%. Trong một động thái mới nhất, Chính phủ yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay ít nhất 1,5-2%, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.
Mặc dù nhóm cổ phiếu ngân hàng đang diễn biến tích cực cùng với nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế phát triển của Chính phủ, nhưng một số chuyên gia còn lo ngại về khả năng nợ xấu có thể bị đẩy về tương lai.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Chứng khoán MB cho rằng, các ngân hàng thận trọng trong các quyết định cho vay nên nợ xấu năm 2023 có thể được kiểm soát, nhưng áp lực nợ xấu sẽ tăng mạnh khi chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực.
Giám đốc Đầu tư (CIO) Quỹ AFC Vietnam Fund Vicente Nguyen cho rằng, cũng như các doanh nghiệp niêm yết nói chung và ngành ngân hàng sẽ có sự phân hóa về kết quả kinh doanh cũng như giá cổ phiếu.
Theo ông Vicente Nguyen, còn nhiều thách thức vẫn chờ đợi ngành ngân hàng. Trong quý I, lợi nhuận các ngân hàng bị thu hẹp chủ yếu do tăng trưởng tín dụng thấp, chi phí vốn tăng cao cũng như áp lực gia tăng trích lập dự phòng trước sức ép nợ xấu. Còn gần đây tỷ giá có nhiều biến động mạnh, gây sức ép thu hẹp dư địa mở rộng chính sách tiền tệ.
Vị CIO này cho rằng, vấn đề ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các nhà băng thời gian tới là tăng trưởng tín dụng. Vì lãi từ hoạt động cho vay đang chiếm từ 70-90% thu nhập hoạt động của các nhà băng.
Vừa qua tín dụng các ngân hàng vẫn chưa tăng trưởng mạnh do phải tập trung vào mục tiêu ổn định hoạt động, an toàn hệ thống. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng có thể sẽ khả quan hơn vào 6 tháng cuối năm nhờ lãi suất giảm, chính sách kích cầu kinh tế và kinh tế thế giới và trong nước có dấu hiệu phục hồi.