Tại phiên thứ 13 Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình Việt Nam vào sáng ngày 14/2/2017, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã quyết định sẽ tắt sóng truyền hình analog tại các tỉnh thuộc nhóm 2 theo đúng  với lộ trình đã được đưa ra từ phiên họp thứ 12.

Cho đến thời điểm hiện tại, khâu hỗ trợ đầu thu truyền hình cho các hộ nghèo, cận nghèo đang được tiến hành và sẽ đảm bảo đúng tiến độ. Chỉ còn khâu truyền dẫn phát sóng còn nhiều khó khăn và phát sinh nhiều vấn đề phải tháo gỡ trong thời gian tới. Ví dụ, VTV vẫn chưa hoàn thành thủ tục đầu tư máy phát sóng số tại Ninh Bình, Bình Thuận, SDTV cũng chưa thiết lập xong hạ tầng phát sóng số tại Bình Thuận. RTB mặc dù đã sẵn sàng về hạ tầng nhưng lại vướng mắc trong khâu thỏa thuận ký hợp đồng dịch vụ với một số đài truyền hình địa phương như: Bắc Giang, Nam Định, Hải Dương, Phú Thọ. 

Kết luận tại phiên họp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã nêu rõ quyết tâm của Ban chỉ đạo trong việc tắt sóng truyền hình số các tỉnh thuộc nhóm 2 đúng lộ trình đề ra. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị truyền dẫn phát sóng truyền hình số phải tăng cường mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất và chuyển đổi tần số theo quy hoạch để đảm bảo tắt sóng các địa phương thuộc nhóm 2 trước ngày 1/7/2017.

Bộ trưởng chỉ đạo cụ thể, VTV sớm hoàn thành thiết lập trạm phát sóng DVB-T2 tại Ninh Bình và Bình Thuận, hiện nay VTV chưa phủ sóng DVB-T2 tại 2 tỉnh này nhưng VTV đã rất quyết tâm triển khai sớm để đảm bảo tiến độ tắt sóng truyền hình analog đúng kế hoạch. VTV cần sớm thiết lập mạng đơn tần truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ; chuyển đổi tần số các máy phát sóng số DVB-T2 về đúng tần số được quy hoạch, trước mắt hoàn thành việc chuyển đổi tần số tại Bắc Bộ và Nam bộ trong năm 2017.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu VTV sớm đẩy nhanh tiến độ phủ sóng truyền hình số mặt đất tại các tỉnh nhóm 3 thuộc khu vực đồng bằng Nam Bộ (Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, Cà Mau) trong năm 2017 để có thể thực hiện ngừng phát sóng analog tại các tỉnh này trước 31/12/2017.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo, công ty AVG  đảm bảo vùng phủ sóng DVB-T2 tại các tỉnh theo quy định và từng bước chuyển đổi tần số về đúng quy hoạch. Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tiếp tục chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất theo chuẩn DVB-T/MPEG 2 sang DVB-T2/MPEG 4. Công ty RTB  triển khai phát sóng DVB-T2 tại Thái Nguyên, Quảng Ninh (Móng Cái), Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ.

Công ty SDTV cần đảm bảo phủ sóng DVB-T2 tại Đồng Tháp, An Giang (huyện Tri Tôn, Thoại Sơn), Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Nai, sớm triển khai phát sóng DVB-T2 tại Bình Thuận. Đồng thời, SDTV sớm đẩy nhanh tiến độ phủ sóng truyền hình số mặt đất tại các tỉnh nhóm 3 thuộc khu vực đồng bằng Nam Bộ (Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, Cà Mau, Bình Phước) trong năm 2017 để có thể thực hiện ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất trước ngày 31/12/2017.

Cũng tại phiên họp, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc SDTV nêu ra khó khăn hiện nay khi thiết lập hạ tầng phát sóng số tại Bình Thuận, SDTV đã có máy phát nhưng hiện chưa thỏa thuận để thuê cột phát sóng tại Bình Thuận của VTV.

Để tháo gỡ khó khăn đó, ông Đỗ Hồng Thu, Giám đốc Trung tâm Truyền dẫn Phát sóng của VTV hứa sẽ hỗ trợ phát sóng kênh truyền hình thiết yếu của Bình Thuận trên hệ thống của VTV cho đến khi SDTV làm xong thủ tục theo đúng quy trình để thuê cột phát sóng số, sau khi SDTV hoàn thành sẽ bàn giao lại cho SDTV phát sóng kênh truyền hình thiết yếu của Bình Thuận.  

Tính đến thời điểm hiện tại, VTV đã triển khai mạng phát sóng truyền hình số mặt đất (công nghệ DVB-T2), sử dụng mạng đa tần với 16 máy phát sóng tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ phủ sóng cho 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối với các địa phương thuộc nhóm 2, VTV phủ sóng toàn bộ địa bàn các tỉnh bao gồm: Thái Bình, Nam Định, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang. Phủ sóng phần lớn khu vực đồng bằng của các tỉnh bao gồm: Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

VTV mới phủ sóng một phần nhỏ địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Khánh Hòa, chưa phủ sóng địa bàn tỉnh: Bình Thuận, Ninh Bình. Ông Đỗ Hồng Thu cho biết, lãnh đạo VTV đã quyết tâm sẽ sớm phê duyệt dự án đầu tư để lắp đặt máy phát số ở Ninh Bình và Bình Thuận trước 31/5/2017.

Tại Phiên họp lần thứ 12, Ban Chỉ đạo đã quyết định các tỉnh thuộc nhóm 2 đã được phủ sóng truyền hình số mặt đất, đã hỗ trợ đầu thu cho một phần địa bàn theo chuẩn cũ hoặc đã phủ sóng một phần địa bàn gồm Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (các trạm phát sóng chính) trước ngày 1/7/2017.

Các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa và các địa bàn được phủ sóng bởi các trạm phát lại truyền hình tương tự mặt đất tại Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ ngừng phát sóng truyền hình analog trong giai đoạn sau, thời điểm cụ thể sẽ do Ban Chỉ đạo quyết định.