Đẩy mạnh chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột
Ngày 17/10, Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức hội nghị “quán triệt, tuyên truyền và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh năm 2022”.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh khẳng định, hội nghị là sự kiện quan trọng được tổ chức lần đầu tiên, thể hiện quyết tâm của Tỉnh ủy, của cả hệ thống chính trị của tỉnh trong đẩy mạnh chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Nhấn mạnh quan điểm chuyển đổi số là chấp nhận cái mới, là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức, quan trọng là vai trò của người đứng đầu phải có khát vọng thay đổi, tiên phong, có quyết tâm chính trị cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh cũng cho hay, việc tổ chức hội nghị này là nhằm quán triệt và triển khai thành công Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về Chương trình chuyển đổi số tỉnh đến 2025, định hướng 2030 với mục tiêu “Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội”.
Theo đại diện Tỉnh ủy Tây Ninh, từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Vì thế, để công tác chuyển đổi số đạt kết quả cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức những hoạt động chuyển đổi số thiết thực tại địa bàn, địa phương phụ trách.
“Mỗi cơ quan, tổ chức cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng của tỉnh”, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Đại diện Tỉnh ủy Tây Ninh đề nghị các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa, vai trò, lợi ích và tầm quan trọng của chuyển đổi số, tập trung thường xuyên tuyên truyền các giải pháp đã được triển khai trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân.
Đưa Tây Ninh vào nhóm tỉnh, thành phố chuyển đổi số mức khá
Theo Giám đốc Sở TT&TT Tây Ninh Nguyễn Tấn Đức, cùng với việc triển khai các nền tảng dùng chung toàn tỉnh, một trong những kết quả bước đầu Tây Ninh đạt được trong tiến trình chuyển đổi số là đưa vào vận hành “Tây Ninh Smart” - ứng dụng duy nhất dùng chung cho toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Hiện ứng dụng đã có hơn 132.000 tài khoản đăng ký.
Ông Nguyến Tấn Đức cho biết, chương trình chuyển đổi số của tỉnh đã xác định mục tiêu đến năm 2025 Tây Ninh vào nhóm các tỉnh, thành phố chuyển đổi số khá; phát triển bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ KHCN, tăng năng suất lao động, tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển kinh tế số, xã hội số; khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp số trong tỉnh.
Mục tiêu đến năm 2030 Tây Ninh sẽ có tối thiểu 2 huyện, thị xã, thành phố đạt cơ bản nền tảng về đô thị thông minh; và mỗi huyện, thị xã, thành phố có tối thiểu 1 xã hoàn thành nền tảng chuyển đổi số.
Trao đổi tại hội nghị, từ kết quả xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh - DTI trong các năm 2020 và 2021, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT đã đưa ra nhận xét cũng như khuyến nghị với Tây Ninh về các trụ cột nhận thức số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Cụ thể, về nhận thức số, Tây Ninh đã bước đầu làm tốt ở 8/10 chỉ tiêu về nhận thức số. Đại diện Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia đề xuất việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cần được lặp lại hàng tuần, hàng tháng, hàng năm và với cách làm khác biệt “Tuyên truyền mà không tuyên truyền, tuyên truyền bằng câu chuyện thành công, tuyên truyên bằng cách cầm tay chỉ việc”.
Về thể chế số, Tây Ninh đã thực hiện được 6/11 chỉ tiêu. Để đưa thể chế vào cuộc sống, thời gian tới Tây Ninh cần giám sát thực thi các văn bản; đồng thời Đôn đốc các đơn vị khẩn trương bổ sung các loại văn bản còn thiếu, tiếp tục ban hành văn bản định kỳ hàng năm nhắc nhở, chấn chỉnh quản lý chi cho chuyển đổi số.
Đối với phát triển nhân lực số, đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia đề xuất địa phương tập trung bồi dưỡng, tập huấn cán bộ chuyên trách kiêm nhiệm về chuyển đổi số, an toàn thông tin; bồi dưỡng, tập huấn công chức, viên chức về chuyển đổi số hàng năm; phổ cập kỹ năng sử dụng ứng dụng, dịch vụ số cho gần 1,18 triệu dân; phổ cập việc học trực tuyến các môn khoa học tự nhiên, ngoại ngữ; và người dân được phổ biến về chuyển đổi số trên nền tảng OneTouch.
Vân Anh