Trao đổi tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử 2017 với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Tầm nhìn và giải pháp công nghệ” diễn ra ngày 5/4 tại Hà Nội, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh: Cuộc cách mạng công nghệ (CMCN) lần thứ 4 được mở đầu bằng những đột phá khoa học vào thế giới vĩ mô, hình thành những công nghệ mới như công nghệ nano, in 3D, công nghệ sinh học phân tử, di truyền, trí tuệ nhân tạo, IoT… đã và đang làm biến đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý, quản trị của mỗi quốc gia.

Trong thời gian không xa, cuộc CMCN lần thứ 4 sẽ có tác động mạnh mẽ tới đời sống sản xuất của con người, kết nối IoT trở nên phổ biến, nhiều hoạt động sẽ được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo… Và Việt Nam cũng không thể bỏ lỡ cơ hội từ cuộc cách mạng này.

Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của KHCN, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân chủ động tham gia vào quá trình nghiên cứu sáng tạo, thụ hưởng nhiều thành tựu của sản phẩm công nghệ cao.

Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn, hiện có hơn 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh và nối mạng Internet, Với tỷ lệ này, Việt Nam đang đứng thứ hạng cao ở Châu Á - TBD và trên thế giới.

Nắm bắt thời cơ, cơ hội và thách thức của cuộc CMCN lần thứ 4, những năm qua Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ xem xét, xây dựng hoàn thiện thể chế thông qua hiến pháp năm 2013 và nhiều đạo luật quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển KHCN, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả lĩnh vực của cuộc sống.

“Tuy nhiên, để xã hội thực sự vững vàng trong bối cảnh đầy biến động của cuộc CMCN lần thứ 4 có rất nhiều việc phải làm. Một trong những việc làm đó là phải cải cách mạnh mẽ cách làm của chúng ta hiện nay, mọi hoạt động của chúng ta phải thực sự khoa học, tối ưu thì năng suất mới cao được”, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cuộc CMCN lần thứ 4 với các xu thế công nghệ mới đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, xã hội…, mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng như thách thức cho người dân, doanh nghiệp, chính phủ… Mục tiêu cuối cùng của Chính phủ điện tử là phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân. Chính phủ phải thay đổi cách tiếp cận với những cam kết trước công chúng và với việc làm chính sách.

Trao đổi tại hội thảo, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh cốt lõi của cuộc CMCN lần thứ 4 vẫn là CNTT, chính quyền tập trung cho phát triển chính quyền điện tử các cấp. Do đó, không thể làm phong trào mà hãy làm thực chất, đi vào thực chất.

Đánh giá của các chuyên gia cũng cho thấy, hưởng ứng xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 quy mô toàn cầu, ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước Việt Nam đang được quan tâm đẩy mạnh.

Với việc thực hiện Nghị quyết 36a của các cơ quan nhà nước, lộ trình phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam đã ghi nhận những kết quả tích cực.

Theo xếp hạng trên, các chỉ tiêu mà Nghị quyết 36a đặt ra đến hết năm 2016 như 100% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức 3, 4 bởi các bộ ngành Trung ương và Việt Nam thuộc nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN về chỉ số phát triển chính phủ điện tử là không hoàn thành.

Trước tình hình này, để có thể hoàn thành chỉ tiêu đã đặt ra cho năm 2017 bao gồm cải cách toàn diện 3 nhóm chỉ số thành phần và vươn lên đứng trong top 3 quốc gia đứng đầu ASEAN về chỉ số dịch vụ công trực tuyến và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.

Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ ngành các cấp cần quyết tâm cao độ hơn nữa trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ công ở mức cao, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trong công tác phục vụ dân sinh song hành với việc xây dựng thành phố thông minh, bảo đảm an ninh bảo mật, từ đó tạo đà để Việt Nam đón đầu xu thế, nắm bắt cơ hội phát triển trong cuộc CMCN lần thứ 4 đang đổ bộ.