- Dự thảo luật Bầu cử đại biểu QH và HĐND có thay đổi đáng kể là quy định đảm bảo tỉ lệ nữ trong số lượng ứng cử viên thay vì trong số lượng được bầu.
>> 'Không trắc nghiệm thần kinh, đừng ứng cử ĐBQH'
Dự luật này khi được cho ý kiến tại kỳ họp trước đã nhận được nhiều băn khoăn xung quanh việc bảo đảm cơ cấu, thành phần. Trong lần trình trước UB Thường vụ QH hôm nay, dự thảo đã có thay đổi đáng kể.
Cụ thể, dự thảo không còn quy định theo hướng cụ thể về số đại biểu QH được bầu là phụ nữ, mà chỉ quy định về việc Thường vụ QH dự kiến số lượng người của cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong QH.
"Dự kiến số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử ĐB ít nhất là 30% tổng số ứng viên", Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nói. Ông Lý còn nói vui "hẳn là Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội QH Trương Thị Mai sẽ rất hài lòng".
Bà Trương Thị Mai: Để đạt được tỉ lệ 30% nữ ĐBQH thì tỉ lệ nữ ứng cử viên phải là 38-40%. Ảnh: Minh Thăng |
Bà Trương Thị Mai thừa nhận đây là "bước tiến dài của bình đẳng giới": Tại IPU 132 vừa qua đã đưa ra kinh nghiệm - phải có quota thì mới đáp ứng được tỉ lệ ĐB nữ. Trong khi châu Âu và Bắc Mỹ đã khá tiến bộ, châu Phi là khu vực tiến bộ nhanh nhất chính là vì đưa ra quota, còn châu Á thì đang trì trệ.
"Thế nên phải có tỉ lệ để có bước tiến tốt hơn. Đúng là quy định cứng tỉ lệ nữ ĐB sẽ khó thuyết phục QH nên quy định tỉ lệ nữ ứng cử viên cũng là tốt rồi. Nhưng tỉ lệ cần cao hơn", bà Mai nhận định.
Theo bà, để đạt được tỉ lệ 30% nữ ĐBQH thì tỉ lệ nữ ứng cử viên phải là 38-40%, "không thì không đời nào bầu được 30% nữ ĐB". Bà kiến nghị việc này bằng cách nhấn mạnh "ông Phan Trung Lý nên cố gắng ghi lại trong lịch sử cho cá nhân và UB Pháp luật trong việc nâng cao tỉ lệ nữ ĐBQH".
Muốn cơ cấu trúng thì phải sắp xếp
Đồng tình nâng tỉ lệ nữ ứng cử viên, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Phúc còn lưu ý tầm quan trọng của kỹ thuật bầu cử, sắp xếp nhân sự, bố trí đơn vị bầu... "Những yếu tố này sẽ quyết định có đạt được tỉ lệ không, muốn cơ cấu trúng thì phải sắp xếp", ông Phúc nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đồng tình nâng tỉ lệ nữ ứng cử viên lên cao hơn dự thảo vì "bầu cử phải có số dư".
Nguyên tắc này cũng sẽ được áp dụng với các thành phần cơ cấu khác như người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử, người trẻ tuổi... Riêng với ứng viên trẻ tuổi, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc có ý kiến: Dự luật quy định đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào QH, HĐND có thể dẫn đến việc người vừa mới ra trường đã trở thành ĐB.
"Họ chưa có kinh nghiệm thực tiễn gì ngoài kiến thức trường lớp, không phát huy được năng lực, không đáp ứng được yêu cầu đại diện cho người dân...", ông Ksor Phước nói.
"Cần quy định thêm là có ít nhất 3 năm công tác thực tiễn. Không phải là ngồi ở cơ quan nhà nước mà làm việc thực sự, tự mình nuôi sống mình, có thể là làm công nhân từ năm 18 tuổi".
Ngoài ra, bà Trương Thị Mai cũng băn khoăn về các quy định liên quan đến vận động bầu cử: Điều 65 cấm lạm dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; Điều 66 quy định có hình thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng;
Điều 68 lại chỉ cho phép người ứng cử ĐBQH trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử ĐBQH của HĐ Bầu cử quốc gia.
Cho rằng các quy định này chưa thống nhất, bà Mai kiến nghị ban soạn thảo xem xét lại, nhất là việc các phương tiện thông tin đại chúng trung ương có vai trò thế nào trong vận động bầu cử.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cam kết xem xét chỉnh lý hoàn thiện dự thảo để trình QH thảo luận, thông qua tại kỳ họp tới.
Chung Hoàng
Chưa xem xét người VN ở nước ngoài bầu cử trong nước
Có thể vận động bầu cử trên báo
Đề xuất người tự ứng cử phải được 30% cử tri đồng ý