Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng người nghèo mua rau dưa ở chợ không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) nên tăng thuế VAT lên 12% thì người nghèo không bị ảnh hưởng.

- Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tăng thuế VAT khiến người nghèo, người thu nhập thấp chịu gánh nặng nhiều hơn người giàu. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Phạm Đình Thi: Thông tin nói mớ rau 500 đồng, nếu tăng thuế thì làm rau tăng giá. Rau, thịt có chịu thuế GTGT đâu. Như vậy những mặt hàng không chịu thuế VAT dù VAT tăng bao nhiêu cũng không ảnh hưởng gì.

Về lý thuyết, thuế gián thu đều có tính chất lũy thoái so với thu nhập. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng này còn phụ thuộc là hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng sử dụng.

Để giảm bớt tính lũy thoái của thuế gián thu, các nước trên thế giới - trong đó có Việt Nam - quy định một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT nhưng ở mức thuế suất ưu đãi (thấp hơn mức thuế suất phổ thông) để giảm bớt gánh nặng thuế cho người có thu nhập thấp. Hiện có 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế và 15 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT ở mức thuế suất ưu đãi 5%.

{keywords}

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế.

Kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2014 của Tổng cục Thống kê cho thấy, đối với nhóm thu nhập thấp nhất thì dành tới 59,6% thu nhập để chi mua lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục; ngược lại nhóm thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% tổng thu nhập để chi cho các hàng hóa, dịch vụ trên. Các hàng hóa, dịch vụ này đều thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế GTGT sẽ không ảnh hưởng đến chi tiêu của nhóm hàng hóa, dịch vụ này.

Như vậy, việc tăng thuế suất thuế GTGT từ mức 10% lên mức 12% tác động không lớn đến chi tiêu của hộ gia đình có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, với những hộ có thu nhập thấp dễ bị tổn thương thì cần có những giải pháp hỗ trợ về an sinh, xã hội như: chi cho giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng,... để đem lại lợi ích nhiều hơn cho người nghèo.

Hiện nay, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách như: Hỗ trợ tiền điện 49.000 đồng/tháng; hỗ trợ xây dựng nhà ở; hỗ trợ người đơn thân, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, người cao tuổi không có trợ cấp bảo hiểm xã hội, người tàn tật,... mức hỗ trợ từ 180.000-720.000 đồng/tháng.

Như vậy việc tăng thuế từ 10% lên 12% có tác động nhưng tác động không lớn. Vậy nói VAT có tác động mạnh người thu nhập thấp không, tôi cho là không.

- Năm 2016, tổng số thu thuế VAT chiếm 33% tổng thu thuế và 24% tổng thu ngân sách. Thế nhưng các nước châu Âu tỷ lệ thu thuế giá trị gia tăng trên tổng thu ngân sách lại thấp hơn Việt Nam. Điều này có thể giải thích thế nào thưa ông?

Đúng là có nước số thu thuế VAT chiếm một tỉ lệ nhỏ trong tổng thu thuế phí. Nhưng ta chỉ nói 1 vế về tỷ trọng thuế VAT trên số thu về thuế chiếm cao, mà không nói tổng thu thuế phí trên GDP của họ là bao nhiêu. Bức tranh chỉ nhìn thấy một phần thì nửa sự thật không phải là sự thật, thậm chí là phản ngược của sự thật.

Đối với các nước trong khu vực, thuế suất thuế GTGT của một số nước trong khu vực có thể thấp hơn Việt Nam nhưng tỷ lệ thu của các sắc thuế tiêu dùng, bao gồm cả thuế GTGT trong tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) thì lại cao hơn, cụ thể: Ở Việt Nam tỷ trọng của thuế hàng hóa và dịch vụ năm 2016 chiếm khoảng 47,5% tổng thu NSNN, mức tỷ lệ này thấp hơn Thái Lan (53,9%), Lào (55,9%), Campuchia (55,5%), và nhỉnh hơn Philippines (45,6%).

Đối với một số nước châu Âu, mặc dù thuế suất thuế GTGT cao nhưng tổng số thu từ thuế GTGT/tổng thu ngân sách có thể thấp hơn hoặc tương đương với Việt Nam. Qua nghiên cứu, Bộ Tài chính thấy rằng, việc xác định tỷ trọng số thu thuế GTGT trong tổng số thu NSNN phụ thuộc nhiều yếu tố: Cơ cấu hệ thống thuế của các nước, mức độ điều tiết của các sắc thuế khác trong hệ thống thuế, tổng mức động viên từ thuế, phí của một nước,...

{keywords}

Việc tăng thuế GTGT có thể thiết lập một mặt bằng giá mới.

Qua số liệu phân tích, tổng số thu từ thuế GTGT/tổng thu ngân sách có thể thấp hơn hoặc tương đương với Việt Nam nhưng tổng số thu từ thuế, phí của các nước này lại cao hơn (tỷ trọng tổng số thu từ thuế, phí/GDP cao hơn nhiều so với Việt Nam).

Ví dụ: Đan Mạch (tỷ trọng thu GTGT/Tổng thu thuế, phí chỉ 19,24% nhưng tổng thu thuế/GDP chiếm 49,9%). Thế nhưng người dân Đan Mạch vẫn tự bầu là người dân hạnh phúc nhất thế giới.

Trong khi đó, ở Việt Nam tuy tổng số thu thuế GTGT/tổng thu Ngân sách là 24,5% nhưng tổng số thu từ thuế, phí/GDP năm 2016 chỉ chiếm khoảng 21%.

- Việc tăng thuế GTGT có thể thiết lập một mặt bằng giá mới. Vậy việc tăng thuế GTGT có tác động đến tỷ lệ lạm phát hay không? Bộ Tài chính đã có đánh giá tác động của các đề xuất tăng thuế thế nào?

Đề xuất tăng thuế GTGT hiện nay sẽ dẫn đến tăng chỉ số CPI “một lần” trong khoảng 0,06-0,39%. Như vậy, trừ khi Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc tăng lương bất thường trùng với giai đoạn tăng thuế GTGT thì mới phát sinh tăng lạm phát. Lạm phát của Việt Nam hiện nay và dự báo trong tương lai vẫn ở mức thấp, do vậy năm 2019 là thời điểm tốt để thực hiện cải cách thuế.

Hiện Bộ Tài chính đã có đánh giá tác động đến lạm phát của đề xuất sửa đổi về thuế GTGT. Tuy nhiên, do giá chi phí đầu vào luôn biến động, thuế nhập khẩu cắt giảm theo cam kết, nên để thận trọng và có đánh giá khách quan Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Ngân hàng thế giới phân tích đánh chi tiết về nội dung này.

Một tính toán cho thấy, VAT tăng từ 10% lên 12% thì ngân sách có thêm 59.000 tỷ. Ông có bình luận gì con số này?

Bài toán kinh tế không có con số chằn chặn. Kinh tế phát triển thì thu được, không phát triển thì không thu. Muốn tính chính xác phải tính tác động đến sản xuất thế nào. Cùng với thuế tăng, thì giảm thuế thu nhập cá nhân giúp sức mua tăng lên. Nếu chính sách đúng thì sức mua tăng lên, không có chính sách đúng sức mua không tăng lên, không thúc đẩy sản xuất.

Xin cảm ơn ông!

Lương Bằng