Ngày hội của những người làm thông tin cơ sở
Để động viên, khích lệ và tạo diễn đàn cho đội ngũ làm công tác thông tin cơ sở giao lưu, kết nối, ngày 8/10, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức ‘Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc trong hoạt động thông tin cơ sở năm 2024’.
Được chủ trì bởi Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, hội nghị còn có sự tham sự của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm; đại diện các bộ, ban, ngành trung ương; lãnh đạo các Sở TT&TT tỉnh, thành phố cùng 120 tập thể, cá nhân tiêu biểu được chọn tôn vinh.
Sự kiện thiết thực, ý nghĩa, lần đầu được tổ chức này, sẽ được Bộ TT&TT duy trì thường niên, trở thành ngày hội của những người làm công tác thông tin cơ sở trên toàn quốc.
Clip hành trình lực lượng thông tin cơ sở tiếp cận toàn dân. Nguồn: Bộ TT&TT
Nhấn mạnh vai trò cùng những đặc trưng riêng của hoạt động thông tin cơ sở, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: Thông tin cơ sở là hoạt động truyền thông đặc sắc riêng có của Việt Nam, là hệ thống truyền thông tiếp cận trực tiếp đến người dân, sử dụng các loại hình thông tin từ đơn giản đến hiện đại để phổ biến, cung cấp thông tin sát với nhu cầu và văn hóa của người dân, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở.
Khác với báo chí, thông tin cơ sở gần dân hơn, dùng người nhiều hơn, trực tiếp là chính, là một lực lượng quan trọng ở tuyến cuối của hoạt động truyền thông.
“Đây là lực lượng tạo nên sức mạnh bởi sự linh hoạt và khả năng thích ứng trong mọi tình huống, phù hợp với thực tiễn và văn hóa của từng cơ sở. Với nhiều cách thức tuyên truyền khác nhau, sức mạnh của thông tin cơ sở là đến từng người, từng hộ dân, tạo nên khác biệt căn bản của thông tin cơ sở với các hình thức truyền thông khác”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.
Theo Cục Thông tin cơ sở, với lợi thế gần dân, sát dân, người làm công tác thông tin cơ sở - lực lượng truyền thông đặc biệt, đã phát huy thế mạnh riêng có để mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, với số lượng người dân được tiếp cận thông tin lên tới 70 - 80 triệu người.
Cả nước hiện có 10.033 đài truyền thanh cấp xã, 666 cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, 701 trang thông tin điện tử công cộng cấp huyện, 8.471 trang thông tin điện tử cấp xã, 870 bảng tin điện tử công cộng cấp huyện và 1.956 bảng tin điện tử công cộng cấp xã, cùng đội ngũ hơn 200.000 tuyên truyền viên cơ sở.
Đánh giá cao đóng góp của những người làm thông tin cơ sở, nhất là trong đại dịch Covid-19 hay gần đây là việc đối phó với cơn bão số 3 (Yagi), Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét: Họ đã không quản ngày đêm khó khăn, vất vả, bằng tiếng nói của người địa phương mộc mạc, gần gũi trên hệ thống truyền thanh, đã truyền đi những thông điệp về phòng, chống dịch bệnh, thông tin khẩn cấp về bão, lũ, ngập lụt.
Họ cũng đã lặn lội “đến từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người” theo phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” để tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân, cùng tham gia với chính quyền giải quyết nhiều vấn đề dân sinh ở cơ sở.
Những năm qua, đồng hành cùng những người làm công tác thông tin cơ sở, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ số đã tham gia tích cực vào việc chuyển đổi số, hiện đại hóa, thúc đẩy sự phát triển của thông tin cơ sở.
“Một cơ sở dữ liệu tập trung, một bộ công cụ làm việc số, một trợ lý ảo hỗ trợ công tác thông tin cơ sở phải là ưu tiên hàng đầu của lực lượng thông tin cơ sở”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét.
Theo người đứng đầu ngành TT&TT, 120 tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến được vinh danh tại hội nghị là những tấm gương tiêu biểu, đại diện cho hàng trăm nghìn người làm công tác thông tin cơ sở trên khắp các vùng, miền của đất nước. Dù là tập thể hay cá nhân, có lứa tuổi và công việc khác nhau, song các điển hình tiên tiến đều tỏa sáng tinh thần yêu nước, trách nhiệm và tâm huyết với công việc, tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, khát vọng được cống hiến vì cộng đồng, vì đất nước.
Chuyện nghề thông tin cơ sở của người trong cuộc
Một điểm nhấn của hội nghị là tọa đàm chia sẻ chuyện nghề của những người làm thông tin cơ sở. Trong dòng chảy không ngừng của cuộc sống hiện đại, họ chính là những nhịp cầu nối đưa chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước trực tiếp đến từng người dân.
Anh Sùng A Tủa, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, là một ví dụ điển hình về sự sáng tạo và tận tâm trong công tác truyền thông cơ sở. Hiểu rõ những khó khăn trong việc truyền đạt chính sách đến bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, anh Tủa đã tìm ra hướng đi mới bằng cách phát triển kênh TikTok cá nhân với hơn 200.000 người theo dõi.
Những video của Sùng A Tủa không chỉ giới thiệu văn hóa, phong tục tập quán và cảnh đẹp của Phình Hồ mà còn thu hút du khách đến tham quan, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Các buổi livestream bán nông sản đã giúp bà con tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Ông Võ Văn Tèo, phụ trách đài truyền thanh xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, đã gắn bó suốt 45 năm với công tác truyền thanh cơ sở. Ông là chứng nhân sống cho sự chuyển mình của lĩnh vực thông tin cơ sở.
Những ngày đầu sau giải phóng, ông cùng đồng nghiệp từng gắn loa lên xe đạp, không ngại mưa nắng đạp xe đến từng nơi để truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người dân. Khi công nghệ phát triển với sự ra đời của các hệ thống đài truyền thanh thông minh, ông Võ Văn Tèo lại không ngừng học hỏi và thích nghi với những thay đổi mới. Sự kiên trì và tâm huyết của ông đã mang đến nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ tuyên truyền viên trẻ.
Tại Hà Nội, chị Nguyễn Duy Thị Minh Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể Thao huyện Quốc Oai cũng liên tục có những nỗ lực đổi mới công tác truyền thông.
Từ năm 2017, Trung tâm đã thực hiện bản tin truyền hình phát trên trang thông tin điện tử và Fanpage trên Facebook, biến đây trở thành kênh thông tin chính thống. Để tiếp cận người dân hiệu quả hơn, trung tâm đã đổi mới nội dung chương trình và phương thức truyền tải, giúp người dân tiếp cận thông tin đa chiều.
Sau một năm vừa làm vừa học, trung tâm đã đúc rút kinh nghiệm, tăng cường sản xuất bản tin truyền hình tối với tần suất 6 lần mỗi tuần. Nhiều phóng sự nhanh, nóng và chính xác đã được gửi tới người dân.
Đặc biệt, trong thời gian bão Yagi ảnh hưởng, nhiều nơi tại Quốc Oai bị ngập nặng, các phóng viên của Trung tâm đã tích cực sử dụng điện thoại để quay, chụp, ghi âm, ghi hình, gửi về bộ phận biên tập để phát sóng ngay lập tức, kịp thời cung cấp thông tin cảnh báo lũ.
Chị Trần Thị Kim Quyên, tuyên truyền viên cơ sở xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, cũng là một tấm gương sáng về sự sáng tạo và nhiệt huyết trong công tác tuyên truyền.
Với tâm niệm "việc vĩ đại tạo ra người vĩ đại", chị Quyên đã tự trích 30 triệu đồng từ phụ cấp cá nhân để tài trợ cho mô hình "Ánh sáng an ninh", đưa hình ảnh chủ quyền lãnh thổ vào dự án ánh sáng đường quê.
Chị Quyên cũng tận dụng CNTT để đổi mới phương pháp tuyên truyền, giúp thông tin đến với bà con nhanh hơn và hiệu quả hơn. Những sáng kiến của chị không chỉ nâng cao nhận thức của người dân về chủ quyền lãnh thổ mà còn góp phần xây dựng cộng đồng dân cư vững mạnh, gắn kết.
Những câu chuyện trên là minh chứng rõ nét cho tinh thần dám nghĩ, dám làm và lòng nhiệt huyết của những người làm công tác thông tin cơ sở.
Phổ cập những mô hình hay, cách làm sáng tạo
Trao đổi tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ, vận hội, song cũng xuất hiện không ít khó khăn, thách thức để tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Ngành TT&TT có sứ mệnh lớn lao là tạo ra đôi cánh cho Việt Nam bay lên, với một bên là sức mạnh vật chất được tạo nên bởi công nghệ số, và một bên là sức mạnh tinh thần - báo chí, truyền thông, trong đó có vai trò quan trọng của thông tin cơ sở để khơi dậy khát vọng đất nước hùng cường thịnh vượng, tạo niềm tin và sự đồng thuận xã hội.
Nhận định 'trực tiếp' chính là sức mạnh cốt yếu nhất của thông tin cơ sở khi toàn xã hội chuyển lên môi trường số, người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng: Mọi thứ dù hiện đại đến đâu cũng không thay thế được con người. Trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ thông tin cơ sở phát triển nhanh hơn, nhưng không truyền được cảm hứng, không nói thay được giọng nói mộc mạc, giàu cảm xúc của người làm thông tin cơ sở.
“Nghị định 49 là cơ sở pháp lý nhà nước đầu tiên của lĩnh vực thông tin cơ sở, mở ra một trang mới cho thông tin cơ sở. Từ nay trong lĩnh vực truyền thông, thông tin cơ sở đã có địa vị pháp lý, đứng bên cạnh báo chí, xuất bản. Tôi rất mong người làm thông tin cơ sở tự hào về điều này!”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Người đứng đầu ngành TT&TT mong những người làm thông tin cơ sở tiếp tục nỗ lực, cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng và đất nước, để địa phương nhận thấy vai trò, sự đóng góp của thông tin cơ sở trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó quan tâm chỉ đạo, dành nguồn lực, điều kiện thuận lợi cho thông tin cơ sở phát triển.
Qua nghe chia sẻ của một số điển hình tiên tiến, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng giao Cục Viễn thông và Cục Thông tin cơ sở phối hợp huy động đội ngũ 200.000 tuyên truyền viên cơ sở tham gia vào việc của ngành, cụ thể như hỗ trợ cấp máy smartphone 4G trong chương trình tắt sóng 2G, tham gia phát hiện các điểm lõm sóng di động.
Từ câu chuyện của tuyên truyền viên cơ sở, Tiktoker Sùng A Tủa sử dụng mạng xã hội giúp người dân bán nông sản, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chỉ đạo Cục Thông tin cơ sở triển khai nhân rộng điển hình này tới 11.000 xã trên toàn quốc.
“Những sáng kiến, thành công phải được phổ cập đến cho toàn quốc thì mới ý nghĩa, giá trị mới lớn. Điển hình mà không nhân rộng thì không có ý nghĩa”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý.
Chỉ rõ có nhiều việc các cơ quan chuyên môn của Bộ TT&TT cùng doanh nghiệp công nghệ số, nhà mạng cần làm để tăng thêm sức mạnh cho hệ thống tin cơ sở, người đứng đầu ngành TT&TT mong rằng Cục Thông tin cơ sở sẽ mang được tinh hoa ở các lĩnh vực khác về cho hoạt động thông tin cơ sở, có các công cụ, giải pháp tốt để hỗ trợ đội ngũ làm thông tin cơ sở thực hiện nhiệm vụ của mình tốt hơn, không chỉ truyền thông mà còn giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng gợi mở việc tạo nền tảng để người dân tiếp nhận thông tin theo yêu cầu, làm loa thông minh cỡ nhỏ giá thấp cho từng hộ gia đình để phù hợp với những địa bàn các hộ dân ở cách xa nhau, nối các cụm loa truyền thanh để hình thành kênh truyền thông tới 100 triệu người vào cùng một thời điểm... Song song đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ số có phương án phát triển thiết bị thông tin cơ sở bền hơn, chất lượng tốt hơn nhưng giá thành giảm.
Trong 120 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động thông tin cơ sở năm 2023 vừa được Bộ trưởng Bộ TT&TT tặng Bằng khen, có 10 Sở TT&TT, 48 Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao cấp huyện; và 62 cá nhân là những tuyên truyền viên cơ sở, người phụ trách đài truyền thanh cấp xã. |