Chi phí học lái xe đang tăng cao
Sau khi Thông tư 04/2022/TT-BGTVT có hiệu lực từ 15/6, đa số các cơ sở đào tạo lái xe đã đều có động thái điều chỉnh học phí. Lý do được các trung tâm đưa ra là phát sinh chi phí phần mềm mô phỏng, tăng giờ học thực hành trên đường trường, tổ chức tập huấn nghiệp vụ và đặc biệt là phải đầu tư cho thiết bị giám sát người lái và quãng đường (DAT).
Theo khảo sát của PV VietNamNet tại một số cơ sở đào tạo lái xe ở Hà Nội, mức giá niêm yết đang rất khác nhau, dao động từ khoảng 11-14 triệu đồng cho một khoá học trọn gói hạng B2. Với hạng B1, học phí thấp hơn nhưng không đáng kể. Nhiều đơn vị tư nhân còn không niêm yết rõ mức học phí mà để giáo viên tự đi tìm và chăm sóc "khách hàng", thậm chí chính các thầy là người báo giá, thu tiền.
Trên các diễn đàn và mạng xã hội, không ít giáo viên còn chủ động chạy quảng cáo để tiếp cận những người có nhu cầu. Mức giá mà họ đưa ra thường khá linh hoạt và luôn ở mức khá thấp so với mặt bằng chung, dao động chỉ từ 10-12 triệu. Tuy nhiên theo một số học viên vừa trải qua kỳ sát hạch, chi phí thực tế sẽ cao hơn nhiều, nhất là khi phải chạy 810 km đường trường dưới sự giám sát của thiết bị DAT.
Chia sẻ về thời gian học lái xe vừa qua, anh Trần Trung Hiếu (quận Hà Đông, Hà Nội) kể, anh đã đăng ký học lái xe từ hồi đầu năm tại một trung tâm có tiếng gần nhà, đồng thời đóng trọn gói là 12,5 triệu đồng. Tuy vậy, quá trình học của anh lại "vắt" qua thời điểm Thông tư 04/2022 có hiệu lực, đồng nghĩa với việc phải thực hành đủ 810 km đường trường. Nhóm của anh được thầy "gợi ý" nộp thêm mỗi người 3 triệu để bù đắp chi phí xăng xe nếu muốn đủ điều kiện thi.
"Chúng tôi phản ứng vì cho rằng đã đóng 'một cục' rồi, sao bây giờ lại phải nộp thêm thì thầy giáo và phía trung tâm đưa Thông tư mới ra và thuyết phục rằng đây là trường hợp bất khả kháng. Sau đó, tôi và các anh em trong nhóm cũng đồng ý vì thực ra được lái nhiều cũng tốt cho mình mà thôi", anh Hiếu nói.
Anh Nguyễn Tuấn Anh - một giáo viên dạy lái xe lâu năm tại Hà Nội cho biết, nếu như trước đây (thời điểm trước 15/6), học viên chỉ cần chi khoảng trên dưới 15 triệu là có GPLX hạng B2 thì nay, số tiền này đã tăng đáng kể.
Theo cách tính của vị giáo viên này, học phí đầu vào mà các thầy nộp lại cho các trung tâm phục vụ cho quản lý và tổ chức thi dao động từ khoảng 3-4 triệu tuỳ nơi; phí học sa hình mất khoảng 250 nghìn/giờ và với xe chip là 400 nghìn/giờ, tổng cộng sẽ tốn khoảng 6-8 triệu để học thuần thục; cộng với việc đi đủ 810 km đường trường mất thêm khoảng 6-8 triệu mỗi người nữa,...
“Trước đây mất tiền nhiều hay ít tiền còn phụ thuộc vào khả năng của từng học viên. Nhưng bây giờ muốn có được GPLX hạng B2 thì học viên ngoài đi tốt trong sa hình còn buộc phải hoàn thành đủ quãng đường là 810 km đường trường, số tiền bỏ ra thêm là không nhỏ. Tôi nghĩ tổng 'thiệt hại' không dưới 20 triệu cho mỗi người”, giáo viên này nhận định.
Khó chấp nhận việc tăng học phí vô tội vạ
Qua tìm hiểu, mức thu học phí đào tạo lái xe ô tô hiện nay đều do các cơ sở đào tạo tự xây dựng mức thu cụ thể đối với từng hạng giấy phép, dựa trên quy định tại Thông tư liên tịch số 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT của Bộ Tài Chính và Bộ GTVT. Chính điều này khiến tình trạng mỗi đơn vị đào tạo lại có một mức học phí khác nhau.
Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, tuy các đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn thành phố được phép tự xây dựng và điều chỉnh mức thu học phí, nhưng vẫn phải báo cáo lại cho Sở để theo dõi, kiểm tra.
Vị này cho biết, vào giữa năm 2022 vừa qua, vin vào cớ phải đầu tư thêm thiết bị DAT để lắp đặt cho các xe tập lái và quy định tăng thời gian chạy đường trường lên 810 km khiến chi phí tăng cao, nhiều cơ sở đào tạo đã báo cáo lên Sở về việc tăng học phí.
"Ngay thời điểm đó, Sở đã có văn bản yêu cầu các cơ sở đào tạo lái ô tô trên địa bàn thành phố tập trung nguồn lực để bổ sung cơ sở vật chất, hoàn thiện các hạng mục lắp đặt, trang thiết bị phục vụ đào tạo lái xe đáp ứng lộ trình đã được Bộ GTVT quy định. Đồng thời, Sở GTVT Hà Nội nghiêm cấm cơ sở đào tạo tuỳ tiện tăng giá mà không có lý do chính đáng", đại diện Sở GTVT Hà Nội chia sẻ với VietNamNet.
Liên quan đến việc nhiều đơn vị điều chỉnh học phí lái xe theo hướng tăng trong thời gian vừa qua, ông Lương Duyên Thống - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, việc các cơ sở lấy cớ phải thực hành đường trường nhiều hơn để tăng học phí là không chính đáng.
"Trước đây vẫn quy định mỗi học viên phải thực hành tổng cộng 1.100 km gồm cả ở sân tập và đường trường. Hiện nay, quy định tại Thông tư 04 chỉ tăng thời gian đường trường từ 36 lên 40 giờ với 810 km nhưng lại giảm thời gian học trong sa hình, tổng quãng đường thực hành vẫn giữ nguyên. Như vậy không thể lấy đây là cớ để tăng học phí được", ông Thống nói với VietNamNet.
Hoàng Hiệp
LTS: Kể từ ngày 15/6/2022, khi Thông tư 04/2022 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch cấp GPLX có hiệu lực, việc học và dạy lái xe được siết chặt lại. Các trung tâm đào tạo, sát hạch phải ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý đào tạo, sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe, tăng thời gian thực hành trên đường,... Xe ô tô tập lái đều phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường (DAT). Học viên bắt buộc phải hoàn thành 24 giờ lái xe thực tế với quãng đường 710 km với giấy phép hạng B1 số tự động; còn hạng B2 và B1 số sàn phải chạy đủ tối thiếu 40 giờ với quãng đường 810 km. Sự thay đổi mạnh mẽ này là chủ trương đúng đắn để tránh tình trạng học hình thức, học sơ sài, đối phó, nâng cao chất lượng học và dạy lái xe. Tuy nhiên, thực tiễn học lái xe hiện nay đang nảy sinh không ít tình huống 'dở khóc dở cười'. Đồng thời, vẫn còn nhiều ý kiến về vấn đề học phí cũng như đảm bảo an toàn giao thông khi học lái trên đường cao tốc, đường trường,... Ban Ô tô xe máy mở Diễn đàn "Học lái xe: Làm sao để tránh bệnh hình thức?". Mời bạn đọc gửi bài viết về trải nghiệm học lái của mình hoặc bài góp ý kiến đến email: [email protected]. Xin cảm ơn! |