Dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam có chất lượng chưa cao, nhưng phí thì ngày càng nhiều và càng tăng, khiến khách hàng phải hứng chịu rất nhiều thiệt thòi. Tính sơ bộ, hiện có khoảng 20-25 loại phí dịch vụ cơ bản của ngân hàng áp dụng trên các giao dịch tài khoản cá nhân. Nguồn thu phi tín dụng trong đó có phí là một khoản thu nhập được xem là bền vững đang được các ngân hàng hướng tới khi tái cơ cấu.

Loạn phí dịch vụ

Sau khi mở thành công một tài khoản tại ngân hàng, chủ tài khoản sẽ phải thanh toán các loại phí hàng tháng, gồm: phí quản lý tài khoản, phí duy trì tài khoản, phí rút tiền mặt, phí chuyển tiền, phí SMS banking, phí internet banking, phí in hóa đơn ATM,... Đấy là chưa kể các khoản phí khác mà nhiều ngân hàng thu như: phí tài khoản số đẹp (thỏa thuận riêng với khách hàng), phí sao kê tài khoản, phí rà soát tài khoản (nếu chẳng may khách hàng khiếu nại sai), phí làm thẻ, phí cấp mã PIN, phí báo mất thẻ, phí đóng tài khoản,...

Thu phí để duy trì hoạt động và nâng cao chất lượng phục vụ là hoàn toàn hợp lệ, nhưng việc “đẻ” ra quá nhiều loại phí, tăng phí liên tục, đang khiến người dùng bức xúc. 

Tính toán cho thấy, nếu chỉ đăng ký dịch vụ SMS banking và rút tiền từ các cây ATM, một năm chủ tài khoản cũng phải trả khoảng 200.000 đồng tiền phí. Nếu đăng ký nhiều dịch vụ và thực hiện nhiều giao dịch, một năm chủ tài khoản sẽ phải tốn hàng triệu đồng trả phí cho ngân hàng.

{keywords}
Biểu phí thẻ ghi nợ nội địa của một ngân hàng (ảnh Quang Phúc)

Anh Lê Anh Tuấn, ở Thái Hà (Hà Nội), có tài khoản tại nhiều ngân hàng, cho biết, bình quân  một ngày anh thực hiện từ 4-5 lần chuyển khoản qua internet banking cho các đối tác, phí mỗi lần vài nghìn đồng, tính ra một tháng anh mất tiền triệu với dịch vụ này. Vì vậy, anh phải mở nhiều tài khoản thanh toán ở nhiều ngân hàng để chuyển tiền cùng hệ thống không mất phí, hoặc được hưởng phí thấp.

Nhưng, điều anh lo ngại là mức phí này đang có chiều hướng bị các ngân hàng điều chỉnh tăng lên. Trước đây, có một số ngân hàng không tính phí chuyển tiền trong cùng hệ thống thì nay cũng bắt đầu tính.

Khách hàng mở tài khoản và thực hiện các giao dịch thì việc phải trả phí là bình thường. Vấn đề là mức phí khách hàng phải trả quá nhiều và ngày càng tăng cao, khiến họ không khỏi bức xúc, anh Tuấn nói.

Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc áp phí chuyển khoản nội mạng của các ngân hàng là rất vô lý. Chuyển tiền nội mạng ngân hàng thì tiền vẫn ở trong ngân hàng đó. Số tiền này ngân hàng có thể sử dụng miễn phí hoặc phí rất thấp, so với vốn huy động. Vì lý do này, hầu hết các ngân hàng nước ngoài, không áp phí chuyển khoản nội mạng, đối với khách hàng, ông Hiếu nói.

Rất nhiều người sử dụng thẻ ATM để rút tiền cho biết, họ không có sự lựa chọn nào khác, bởi quy định trả lương qua tài khoản. Trong đó, những người có thu nhập thấp phải chịu thiệt thòi nhất. Nhiều lao động tại các khu công nghiệp, cả tháng chỉ được trả  lương 5 triệu đồng. Số tiền đó thường được dùng để chi tiêu hàng ngày. Nhận lương qua thẻ ATM, tự nhiên họ phải để lại số dư tối thiểu 50.000 đồng trong tài khoản và phải gánh các loại phí rút tiền, duy trì tài khoản, phí chuyển tiền,... Nếu các loại phí này tăng lên thì họ lại chịu thêm thiệt thòi.

Theo chuyên gia ngân hàng Phạm Nam Kim, căn cứ trên thu nhập đầu người giữa Việt Nam và EU, có thể thấy các ngân hàng Việt Nam thu phí dịch vụ cao hơn gấp nhiều lần. Thông thường, các ngân hàng EU không thu phí chuyển tiền trong cùng hệ thống, phí truy vấn tài khoản, miễn phí duy trì tài khoản thanh toán,...

Ý kiến từ giới chuyên môn cho biết, tình trạng quá nhiều loại phí dẫn đến tình trạng phí chồng phí, thậm chí có một số ngân hàng còn thu phí ATM ngoài biểu ban hành. Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) vào giữa năm 2015 đã phải gửi công văn “tuýt còi”, yêu cầu các ngân hàng chỉ được thu theo biểu phí do chính mình quy định, không thu thêm phí ngoài biểu đã ban hành. Các loại phí phát hành, thường niên, giao dịch ATM phải nằm trong khung quy định của pháp luật.

{keywords}
Phí ngân hàng là nỗi khổ của nhiều chủ thẻ (ảnh minh họa - Quang Phúc)

Lợi nhuận khủng

Các chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, trung bình doanh thu từ dịch vụ của các ngân hàng thế giới chiếm từ 30-40% trong tổng doanh thu của ngân hàng. Nhưng ở Việt Nam, rất ít ngân hàng đạt được con số 10%. Do đó, việc cải thiện tỷ trọng thu từ dịch vụ đang được nhiều ngân hàng đặt ra. Bởi đây được xem là nguồn thu bền vững và ít rủi ro hơn so với hoạt động tín dụng.

Tuy nhiên, việc tăng phí hay đặt ra các loại phí tùy tiện sẽ gây bất lợi cho các chủ tài khoản. Điều đáng lo ngại là khi các ngân hàng đều tăng phí thì khách hàng vẫn phải chấp nhận vì không có lựa chọn khác.

Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, tính đến hết năm 2017, cả nước có hơn 100 triệu thẻ ngân hàng, trong đó thẻ nội địa chiếm gần 90%. Khách hàng sử dụng thẻ nội địa dùng để rút tiền mặt chiếm trên 80% trong tổng số.

Nguyên tổng giám đốc một ngân hàng lớn thừa nhận, việc phát triển dịch vụ thẻ mang lại nguồn lợi khá tốt cho các ngân hàng. Chẳng hạn, chỉ tính riêng với dịch vụ SMS banking, chủ thẻ mỗi tháng phải trả 10.000 đồng, nếu ngân hàng có lượng khách hàng lên 1 triệu thẻ, thì mỗi tháng sẽ thu về 10 tỷ đồng, một năm là 120 tỷ đồng.

Hiện nhiều ngân hàng áp dụng phí rút tiền cùng hệ thống là 1.100 đồng và 3.300 đồng khác hệ thống. Nếu chỉ tính thu phí rút tiền nội mạng 1.100 đồng/lần và với 50 triệu thẻ hoạt động thường xuyên, mỗi thẻ rút 2 lần/tháng thì số tiền mà ngân hàng thu được là 110 tỷ đồng/tháng, tương đương với 1.320 tỷ đồng mỗi năm.

Với lượng tiền tối thiểu duy trì tài khoản thẻ là 50.000 đồng thì với 50 triệu thẻ, số tiền chủ thẻ để ở ngân hàng đã lên 2.500 tỷ đồng,... Nếu tính đầy đủ tất cả các loại phí, các giao dịch,... con số thu được của hệ thống ngân hàng sẽ rất lớn.

Phí thì tăng nhưng hầu hết các ý kiến đều cho rằng chất lượng dịch vụ của các ngân hàng hiện không theo kịp. Chẳng hạn, tình trạng máy ATM hết tiền, gặp trục trặc, tạm dùng hoạt động thường xuyên xảy ra. Chính phủ đã phải ban hành cả Nghị định, quy định ngân hàng nào để máy ATM hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng sẽ bị phạt.

Có thể nói chất lượng phục vụ của dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu. Vậy nhưng phí thì ngày càng nhiều và càng tăng là hết sức phi lý, khách hàng đang phải hứng chịu rất nhiều thiệt thòi.

Trần Thủy