“Không trứng. Không cá. Không rau. Không thịt. Hết sạch sạch sạch”, Văn Hùng (Nghệ An) nhắn tin trong group nhóm bạn thân cùng đang ở trọ tại TP.HCM. Theo nhân viên văn phòng này, dù sáng nay đã chủ động ra xếp hàng để mua đồ từ sớm nhưng vẫn đến trễ hơn so với nhiều người và phải đợi thanh toán khá lâu. Tại siêu thị, chủ yếu các mặt hàng đồ tươi sống hết, đồ khô vẫn còn.
Chương (An Giang) dậy sớm, ra chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) từ 5h sáng để mua hàng tích trữ nhưng cũng gặp phải cảnh tương tự. Người dân đã xếp hàng mua kín tại các cửa hàng đông lạnh.
Kệ hàng hết đồ trong siêu thị chủ yếu là mặt hàng tươi như rau, củ, quả |
“Tôi đếm cả 5 cửa hàng đông lạnh gần chợ đều kín người xếp hàng. Sáng nay đi chợ có cảm giác giá rau, quả tăng khoảng 30%. Với cùng số tiền mọi khi, nhẽ ra tôi sẽ mua được nhiều hơn”, Chương nói.
Mặc dù số đồ ăn khô vẫn còn đủ dùng trong 2 tuần nữa nhưng Chương vẫn quyết định ra chợ mua thêm đồ dự trữ cho 2 tuần nữa, vậy là có lượng thức ăn trong 1 tháng.
Không phải ai cũng có nhu cầu tích trữ
Nhân viên siêu thị tiến hành đo thân nhiệt cho khách đến mua hàng. Ảnh: Trần Chung |
Việc đổ xô đi mua và tích trữ hàng hóa diễn ra trong những ngày gần đây tại TP.HCM, đặc biệt là ngày hôm qua (6/7) và hôm nay (7/7). Hành vi trên được lý giải bởi nỗi lo sợ trước tình hình của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, việc đóng cửa cả 3 chợ đầu mối lớn của thành phố là Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức phần nào làm người dân lo lắng việc cung ứng hàng hóa gặp vấn đề.
Theo Tiến sỹ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, đây là hành vi mang tính tâm lý khi người dân có nhu cầu dự phòng. Người dân đang tìm cách đối phó trong trường hợp không may có áp dụng giãn cách, không thể đi lại được thì vẫn có thực phẩm sử dụng.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, việc tập trung đông người tại cùng một chỗ để mua hàng, có sự tiếp xúc và nói chuyện sẽ là nguy cơ ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch của thành phố. Trong khi lượng hàng hóa thiếu hụt chỉ mang tính thời điểm tại một số siêu thị do người dân đổ xô đến mua, cách đây ít ngày vẫn hoàn toàn bình thường.
“Cần thông tin để người dân yên tâm ở thời điểm hiện tại. Hàng hóa vẫn trong tầm kiểm soát bởi năng lực cung ứng thực phẩm của thành phố khá tốt. Không có gì đáng lo”, ông Thắng nhận định.
Khách đi siêu thị tại một gian hàng bình ổn giá tại TP.HCM. Ảnh: Trần Chung |
Giáo sư Đào Trọng Thi, Đại biểu Quốc hội khóa XII cho rằng, qua các làn sóng dịch Covid-19, người dân sẽ tự hiểu được vấn đề và có đủ kinh nghiệm thực tiễn để nhận biết, đưa ra cách thức phù hợp ứng phó với dịch bệnh.
Một số người có tâm lý muốn tích lũy trong khi đa số thì không, trong cộng đồng dân cư sẽ có sự đa dạng như vậy, nhận thức mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần thông tin đầy đủ về nguồn cung hàng, đảm bảo cho người dân có tâm lý được an toàn trong mùa dịch.
“Việc đổ xô đi mua hàng không thể thành phong trào. Đây không phải lần đầu, người dân đã trải qua 4 đợt dịch nên có đủ kinh nghiệm thực tế cũng như trải nghiệm. Nếu việc mua hàng không được tổ chức tốt sẽ gây hưởng, lây lan dịch bệnh ra cộng đồng”, Giáo sư Thi nói.
Trước đó, trao đổi với PV. VietNamNet, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, hiện các các doanh nghiệp bình ổn và một số đơn vị của thành phố đã dự trữ gấp 3 lần so với điều kiện bình thường, ở mức hơn 120.000 tấn hàng theo tháng trong khi nhu cầu thực tế hàng ngày của người dân chỉ khoảng 5.000-6.000 tấn/ngày. Người dân không lo thiếu hàng dẫn đến phải tích trữ.
“Thành phố hiện vẫn có hơn 60% chợ truyền thống hoạt động, kèm theo đó là 102 siêu thị, 2.400 siêu thị mini với 28.700 điểm bán. Việc thiếu hàng ở các kệ, sạp nhất định, chỉ là các loại hàng bán theo thời điểm trong ngày như rau, củ, quả hay thịt tươi. Người dân hoàn toàn có thể quay lại mua vào ngày hôm sau”, đại diện Sở Công Thương thông tin.
Trong chiều nay (7/7), UBND TP.HCM cũng đã có văn bản khẩn về việc đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố. Theo đó, đơn vị quản lý các chợ đầu mối là Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức sẽ thiết lập thông tin số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận điều phối thông tin cung ứng hàng hóa từ các chợ đầu mối để tiểu thương các chợ truyền thống kết nối giao dịch hàng hóa. Đồng thời, các chợ đầu mối này sẽ có sự phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức địa điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời tạo điều kiện cho thương nhân đến giao dịch, mua bán. |
Quảng Định
Giá cả tăng sốc, dân đã cạn hết tiền mua sắm
"Có thể thấy rằng những con số thống kê được công bố mới chỉ phản ánh được 60-70% sự thực về giá đang diễn ra trên thị trường", nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội đánh giá.