Nỗ lực cải thiện năng suất lao động
Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 quy định tại Quyết định 841/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 đặt ra mục tiêu: Tăng năng suất lao động thông qua đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cấp và đổi mới công nghệ, tập trung vào các ngành tạo giá trị tăng cao và sử dụng nhiều lao động.
Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm giai đoạn 2021-2030. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt trên 50%.
Trong những năm qua, năng suất lao động của Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước trong khu vực ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Tuy vậy, theo số tuyệt đối tính theo sức mua tương đương năm 2017, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 đạt 20,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% mức năng suất lao động của Singapore; 35,4% của Malaysia; 64,8% của Thái Lan.
So với các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn, năng suất lao động của Việt Nam bằng 15,4% của Mỹ; 19,1% của Pháp; 21,6% của Anh; 24,7% của Hàn Quốc; 26,3% của Nhật Bản và 59% của Trung Quốc.
So sánh năng suất lao động của Việt Nam với các nước cho thấy chúng ta đang phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi đáng kể. Mức độ cải tiện về năng suất, chất lượng chưa đạt như kỳ vọng, khả năng chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế. Tốc độ tăng năng suất lao động trung bình 2021-2022 là 4,7%, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là 5,5%. Tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP tăng chậm, năm 2021 là 24,3, năm 2022 là 24,7%.
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng: Năng suất lao động của nước ta thấp là do: Cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý; Chưa phát huy được vai trò chủ đạo của năng suất lao động nội ngành; Năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp thấp; Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh còn hạn chế, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; Nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Còn nhiều dư địa để nâng cao năng suất lao động
Các số liệu thống kê cho thấy, mặc dù năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao 8,02% nhưng năng suất lao động của nền kinh tế cũng chỉ tăng 4,7% so với năm trước. Bình quân hai năm 2021-2022, năng suất lao động tăng 4,65%/năm, thấp khá xa so với mục tiêu 6,5% trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Nghĩa là, để đạt được mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025 thì bình quân 3 năm 2023-2025, mỗi năm năng suất lao động cần phải tăng khoảng 7,8%.
"Như vậy, mặc dù đã có sự cải thiện nhưng năng suất lao động những năm gần đây tăng tương đối chậm và chưa có đột phá như kỳ vọng. Đây là thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam. Thực tiễn quá trình phát triển cho thấy, việc đẩy mạnh tốc độ tăng năng suất lao động có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế", ông Nguyễn Bích Lâm đánh giá.
Để nâng cao năng suất lao động, ông Lâm cho rằng Chính phủ cần khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động Việt Nam. Định kỳ đánh giá, bổ sung, cập nhật chiến lược này phù hợp với những thay đổi nhanh của kinh tế thế giới. Chủ động dự báo các biến cố, xu hướng thay đổi của kinh tế thế giới; nhận diện, đánh giá tác động của những cơ hội và thách thức đến từ các thay đổi này đối với kinh tế nước ta.
Không ai khác, chính là Chính phủ phải xác định được các yếu tố ngoại sinh tạo ra sự đổi mới để từ đó chủ động đưa ra các giải pháp tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức giữ ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.
Cho rằng nâng cao năng suất lao động và TFP (hay gia tăng chất lượng) là một động lực cho tăng trưởng, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhấn mạnh: Đây vừa là động lực vừa là giải pháp để kinh tế Việt Nam nâng cao hiệu quả và chất lượng những năm tới.
Trên thực tế, TFP năm 2022 của Việt Nam chỉ đóng góp 43,8% vào tăng trưởng GDP, thấp hơn bình quân 45,7% giai đoạn 2016-2020.
Theo ông Cấn Văn Lực, rõ ràng Việt Nam còn nhiều dư địa để nâng cao năng suất lao động và TFP bởi kết quả những năm gần đây vẫn cách xa so với mục tiêu.
Nhóm Nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo, với đà này cùng với việc phát huy tốt các động lực tăng trưởng, năng suất lao động Việt Nam dự báo tăng 4,5-5% giai đoạn 2021-2025 (mục tiêu là 6,5%) và tăng 6-6,5% giai đoạn 2026-2030 (mục tiêu là 6,8-7%). Tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 40-45% giai đoạn 2021-2025 và 50-55% giai đoạn 2026-2030.