Tóm tắt một số nội dung nổi bật của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại họp báo công bố luật của Văn phòng Chủ tịch nước sáng 11/12, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều.
Trong đó, 16 điều sửa đổi, bổ sung toàn diện; sửa kỹ thuật 11/142 điều; bổ sung mới 4 điều; bãi bỏ 3 điều.
Điểm đáng chú ý của luật lần này là sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực quản lý nhà nước gồm: Giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; giáo dục; điện lực; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thủy lợi; báo chí; kinh doanh bất động sản.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh |
Cụ thể, luật lần này sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 24 mức phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội tăng từ 40 triệu lên 75 triệu đồng. Mức phạt trong lĩnh vực cơ yếu, giáo dục; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia từ 50 triệu lên 75 triệu đồng. Trong lĩnh vực điện lực, mức phạt tăng từ 50 triệu lên 100 triệu đồng. Còn lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 triệu lên 200 triệu đồng.
Trong quản lý công trình thủy lợi; báo chí, mức phạt tối đa tăng từ 100 triệu lên 250 triệu đồng. Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, mức phạt hành chính tăng từ 150 triệu lên 500 triệu đồng.
Ngoài ra, luật cũng bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực như: Tín ngưỡng, đối ngoại; cứu nạn, cứu hộ; in; an ninh mạng, an toàn thông tin mạng; kiểm toán nhà nước; cản trở hoạt động tố tụng.
Cụ thể, mức phạt trong lĩnh vực tín ngưỡng; đối ngoại tối đa 30 triệu đồng; cứu nạn, cứu hộ cao nhất 50 triệu đồng; in; an toàn thông tin mạng mức phạt lên đến 100 triệu đồng; sở hữu trí tuệ: 250 triệu đồng...
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, luật lần này sửa đổi, bổ sung tên gọi/ bãi bỏ một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xuất phát từ việc một số cơ quan, đơn vị được sắp xếp lại tổ chức bộ máy.
Ví dụ một số chức danh thuộc lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường, Hải quan... Luật bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc các lực lượng như: Kiểm ngư; Ủy ban Cạnh tranh quốc gia; Kiểm toán nhà nước…
Ngoài ra, Luật bổ sung 8 nhóm chức danh (chủ yếu thuộc các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc ở cấp tỉnh hoặc liên tỉnh) có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện.
Các chức danh khác ở cấp cơ sở có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Thu Hằng
Từ 7/2021, nhập hộ khẩu vào TP.HCM, Hà Nội dễ như các nơi khác
Với việc Luật Cư trú 2020 bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc Trung ương từ 1/7/2021, việc nhập hộ khẩu vào Hà Nội, TP.HCM không còn khó.