Mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu sẽ là điều kiện thuận lợi để các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã trao đổi về quá trình thực hiện đáp ứng yêu cầu thị trường để tháo gỡ những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc. Cùng nhau hướng tới một nền sản xuất trách nhiệm, đảm bảo tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm, đáp ứng mọi yêu cầu thị trường để nông nghiệp Việt Nam tiến xa hơn.
Tháng 4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu" và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu". Theo đó, những doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bắt buộc tuân thủ những quy định mới. Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký 5 Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với các mặt hàng nông sản. Đó là sầu riêng, chuối, chanh dây, khoai lang và tổ yến. Điều này mở ra cơ hội rộng lớn cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới.
Tuy nhiên cơ hội cũng đi kèm thách thức khi thị trường Trung Quốc ngày càng siết chặt về chất lượng an toàn thực phẩm.
Ngay lập tức, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân cả nước đã bắt tay, nỗ lực đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi truy xuất các thông tin sản phẩm nhằm phục vụ xuất khẩu nông sản.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thông tin, sau gần 1 năm Lệnh 248 có hiệu lực, tính đến cuối năm 2022, đã có 2.426 mã sản phẩm được cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Trong đó, 1.236 mã sản phẩm thuộc nhóm 18 mặt hàng đăng ký qua cơ quan thẩm quyền (chiếm 50,9%) và phần còn lại 1.190 mã sản phẩm không thuộc danh mục phải đăng ký qua cơ quan thẩm quyền. Trong số hai nhóm này, các sản phẩm thủy sản được Hải quan Trung Quốc thông qua nhiều nhất, tiếp đến là sản phẩm hạt (hạt điều, cà phê...), và các sản phẩm dầu thực vật, bánh bột...