Tăng lương là một trong những giải pháp được nhiều doanh nghiệp (DN) áp dụng trong việc giữ chân người lao động. Để bảo đảm tính pháp lý cũng như thuận tiện cho hai bên, DN có thể xem tình hình thực tế của đơn vị để ký phụ lục hoặc ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) mới với NLĐ.

Tiền lương là một trong những nội dung cơ bản của HĐLĐ theo khoản 1, điều 23 Bộ Luật Lao động 2012. Nếu có bất cứ thay đổi nào liên quan đến tiền lương hay những nội dung khác của HĐLĐ thì DN thực hiện như sau: Báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Việc sửa đổi, bổ sung HĐLĐ được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục HĐLĐ hoặc giao kết HĐLĐ mới.

{keywords}
Khi thay đổi nội dung điều khoản về tiền lương của người lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động thì doanh nghiệp cũng phải ghi rõ nội dung thay đổi (mức lương mới là bao nhiêu) và thời điểm áp dụng

Như vậy, trong trường hợp muốn tăng lương cho NLĐ, tùy thuộc vào nhu cầu của mình và thỏa thuận với NLĐ mà DN có thể lựa chọn ký phụ lục hợp đồng hoặc ký HĐLĐ mới.

Đối với việc ký phụ lục HĐLĐ, điều 24 Bộ Luật Lao động 2012 quy định: Phụ lục HĐLĐ là một bộ phận của HĐLĐ và có hiệu lực như HĐLĐ, dùng để quy định chi tiết một số điều khoản hoặc để sửa đổi, bổ sung HĐLĐ. Trường hợp phụ lục dùng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng thì phải ghi rõ nội dung những điều khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.

Tức là, khi thay đổi nội dung điều khoản về tiền lương của NLĐ bằng phụ lục HĐLĐ thì DN cũng phải ghi rõ nội dung thay đổi (mức lương mới là bao nhiêu) và thời điểm áp dụng.

Đối với việc ký HĐLĐ mới, khi ký một HĐLĐ, có khá nhiều vấn đề DN và NLĐ cần lưu ý như sau: Về hình thức hợp đồng: HĐLĐ phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 2 bản, NLĐ giữ 1 bản, DN giữ 1 bản; trừ công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng có thể giao kết bằng lời nói (điều 16 Bộ Luật Lao động 2012). Về nội dung hợp đồng: Ngoài điều khoản về tiền lương, mọi nội dung khác của HĐLĐ trước đây phải được giữ nguyên.

Về người ký kết hợp đồng: Tuân thủ quy định tại điều 3 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 148/2018/NĐ-CP: Phía DN, là người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền bằng văn bản. Phía NLĐ, là NLĐ từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc lao động chưa thành niên từ đủ 15 - 18 tuổi và có văn bản đồng ý của người đại diện theo pháp luật của NLĐ hoặc người đại diện theo pháp luật đối với người dưới 15 tuổi và có sự đồng ý của người dưới 15 tuổi.

Có thể thấy, khi ký HĐLĐ mới, DN sẽ phải thực hiện theo trình tự, thủ tục nghiêm ngặt hơn, chịu nhiều ràng buộc hơn so với việc ký phụ lục hợp đồng.

(Theo NLĐ)