Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lần đầu tiên kể từ những năm 1990, tầng lớp trung lưu toàn cầu bị thu hẹp, theo ước tính gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew.
Cụ thể, khoảng 150 triệu người, bằng dân số Vương quốc Anh và Đức cộng lại, bị đẩy khỏi nhóm này vào năm 2020. Trong đó, Nam Á và châu Phi cận Sahara có sự sụt giảm lớn nhất.
Theo định nghĩa của Pew, những người thuộc tầng lớp trung lưu có thu nhập trung bình 10,01-20 USD/ngày và trung-thượng lưu là 20,01-50 USD/ngày. Hai nhóm này chiếm khoảng 2,5 tỷ người, hoặc 1/3 dân số thế giới.
Khoảng 150 triệu người bị đẩy khỏi tầng lớp trung lưu thế giới vào năm 2020. Ảnh: Nicolas Axelrod. |
Trung Quốc, nơi sinh sống của 1/3 tầng lớp trung lưu trên thế giới, dường như đang phục hồi nhanh chóng từ đại dịch. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang phát triển khác phải đối mặt với triển vọng kinh tế giảm sút.
Do đó, những người thuộc tầng lớp trung lưu ở đây cũng phải đối diện tương lai bất ổn so với những năm trước.
Giấc mơ tậu xe bị trì hoãn
Hơn một thập kỷ qua, Ravi Kant Sharma (37 tuổi, sống ở thành phố Bahadurgarh, Ấn Độ) thắt lưng buộc bụng để tậu chiếc Maruti Suzuki Alto trị giá 6.000 USD. Đây là phương tiện đầu tiên mà nhiều người Ấn Độ mua khi họ chuyển từ môtô sang xe 4 bánh.
Năm 2020, anh tích cóp đủ tiền trả trước và có kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm ngày cưới bằng việc mua xe. Tuy nhiên, đại dịch đã khiến mọi thứ đảo lộn.
Khi nền kinh tế Ấn Độ đóng băng, Sharma mất công việc kỹ sư ôtô. Anh tìm được việc mới nhưng ở thành phố khác, có mức lương thấp hơn.
“Tôi đã tiêu hết tiền tiết kiệm. Gia đình tôi đang gặp khó khăn trong việc trả góp các khoản vay hiện có”, Sharma nói.
Ravi Kant Sharma cùng vợ và các con gái ở Bahadurgarh. Ảnh: Ruhani Kaur. |
Sharma thuộc tầng lớp trung lưu Ấn Độ, ước tính chiếm 1/3 dân số của đất nước. Đại dịch đã phơi bày điều mà Leela Fernandes, nhà khoa học chính trị, gọi là “sự mong manh về kinh tế xã hội” của tầng lớp này, mà bà ví như “bong bóng thị trường chứng khoán đang chực chờ vỡ tan”.
Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ, sự suy thoái kinh tế vì Covid-19 khiến khoảng 21 triệu người làm công ăn lương bị mất việc làm từ tháng 4 đến 8/2020.
Kết quả là tầng lớp trung lưu của Ấn Độ giảm 32 triệu người vào năm 2020, chiếm 60% sự sụt giảm trên toàn thế giới, theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Pew.
Sharma thuộc thế hệ thứ 3 trong gia đình học đại học. Anh làm việc chăm chỉ để chăm lo cho 2 con gái đang tuổi đến trường và vợ khỏi tác động kinh tế của đại dịch. Tuy nhiên, thật khó để kế hoạch của anh tránh khỏi bị tàn phá.
“Cuộc sống của tôi đã tụt lại ít nhất 3 năm. Ước mơ cũng vượt quá tầm với”, Sharma nói.
Ăn trứng trừ bữa
Thận, lưỡi, gan. Francinete Alves (58 tuổi, sống tại thủ đô Brasilia, Brazil) không thích nội tạng, nhưng đó là những gì cô cân nhắc mua ở cửa hàng thịt giảm giá ở ngoại ô Brasilia. Ít nhất, bữa tối hôm đó không phải là món trứng tráng nữa.
Đối với Alves và con gái 24 tuổi, những ngày không có thịt dần trở nên quen thuộc. Brazil đang vật lộn với đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng mà không có dấu hiệu đạt đỉnh. Hậu quả kinh tế có thể nhìn thấy trong chế độ ăn uống của tầng lớp trung lưu nơi này.
Dữ liệu từ Conab, cơ quan nông nghiệp quốc gia, cho thấy cư dân của quốc gia xuất khẩu thịt bò số 1 thế giới đang tiêu thụ ít hơn. Theo bình quân đầu người, lượng tiêu thụ thịt bò giảm 5%, xuống còn 29,3 kg vào năm 2020, mức thấp nhất kể từ 1996. Đồng thời, lượng tiêu thụ trứng tăng 3,8%, đạt mức cao mới.
Francinete Alves tại siêu thị ở Brasilia. Ảnh: Victor Moriyama. |
Alves may mắn vẫn giữ được công việc trợ lý văn phòng. Tuy nhiên, mức lương 5.000 reais/tháng (881 USD) của cô vượt quá mức đủ điều kiện nhận trợ cấp từ chính phủ trong đại dịch. Với thu nhập này, mẹ con Alves sống bấp bênh bởi giá lương thực không ngừng tăng vọt.
Alves lùng sục thông tin và bài đăng trên mạng xã hội để tìm nơi bán hàng giảm giá, đồng thời cố gắng tìm lý do để không mua thịt. Tuy nhiên, tại chợ rau củ, giá của mọi thứ từ táo đến cà chua đều leo thang chóng mặt.
“Trước đây, 20 reais là đủ mua nhiều thứ”, cô nói khi mắt đảo qua những bắp ngô không thể mua được.
Cuộc sống đảo lộn
Tháng 1/2020, Mosima Kganyane (26 tuổi, sống ở thành phố Johannesburg, Nam Phi) phấn khích vì tìm được công việc toàn thời gian đầu tiên. Cô thuê căn hộ với giá 3.600 rand/tháng (244 USD), cách nơi làm việc vài dãy nhà để tiết kiệm chi phí đi lại.
Đến đầu tháng 3, Nam Phi ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên và áp đặt lệnh cấm nghiêm ngặt góp phần vào sự sụt giảm kinh tế lớn nhất của đất nước trong một thế kỷ.
Tháng 7, khi công ty có nguy cơ phá sản, Kganyane bị cho thôi việc. Cô chịu chung số phận với 1,4 triệu người Nam Phi đột ngột mất việc vào năm ngoái, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức kỷ lục 32,5%.
Không có thu nhập để trang trải tiền thuê nhà và hóa đơn điện nước, Kganyane nộp phạt 271 USD để phá vỡ hợp đồng thuê nhà rồi chuyển về sống với bố mẹ.
Mosima Kganyane trước căn phòng cho thuê mà cô xây ở sân sau ngôi nhà của gia đình tại Johannesburg. Ảnh: Guillem Sartorio. |
Một nghiên cứu năm 2018 của Viện Kinh tế Phát triển Thế giới, trực thuộc Đại học Liên Hợp Quốc, cho thấy chỉ 1 trong 4 người Nam Phi có thể được coi là một phần của tầng lớp trung lưu ổn định hoặc tầng lớp thượng lưu. Số còn lại được phân loại là nghèo kinh niên hoặc tạm thời, hay tầng lớp trung lưu dễ bị tổn thương.
Kganyane đã làm việc không mệt mỏi để tồn tại. Hiện cô làm việc cho công ty dịch vụ tài chính theo hợp đồng tạm thời. Cô gái cũng kiếm thêm thu nhập từ việc bán thảm, đồ nội thất và trứng.
Kganyane cũng dành 1.000 USD tiền tiết kiệm để xây phòng ở phía sau nhà để có thể cho thuê.
“Covid-19 đã dạy tôi không được phép thư giãn. Tôi cần chiến đấu để tồn tại vì không biết ngày mai sẽ ra sao”, Kganyane nói.
Khi nào khách du lịch trở lại?
Trước đại dịch Covid-19, Yada Pornpetrumpa (52 tuổi, sống ở Bangkok, Thái Lan) kiếm được 50% lợi nhuận từ mọi thứ cô bán được ở quầy đồ ăn vặt và nước ép trái cây trên đường Khaosan, nơi vốn nhộn nhịp khách du lịch ba lô nước ngoài thích tiệc tùng đêm khuya.
Khi du lịch quốc tế dừng lại, khiến hơn 3/4 khách hàng mất đi, Yada kiếm sống nhờ khoản hỗ trợ từ chính phủ và những xiên thịt viên, nước trái cây ít ỏi mà cô bán được trong đêm.
Thu nhập hàng ngày của Yada là 700 baht/ngày (22,42 USD), giảm hơn 90% kể từ khi Covid‑19 bùng phát.
Yada Pornpetrumpa bán đồ ăn vặt trên đường Khaosan ở Bangkok. Ảnh: Nicolas Axelrod. |
Cuộc sống của Yada, người thuộc tầng lớp trung lưu Thái Lan, bắt đầu lao đao vào năm ngoái, khi cô vỡ nợ thế chấp căn nhà ở ngoại ô Bangkok, cùng khoản vay mua ôtô.
Hiện cô sống với con gái 31 tuổi, 5 con chó và 12 con mèo trong ngôi nhà thuê mà người chủ đồng ý gia hạn chiết khấu cho đến khi việc kinh doanh của cô được cải thiện.
Yada quyết định bỏ dùng một trong 2 chiếc điện thoại di động và cắt Internet tại nhà.
Để nuôi sống bản thân và con gái, Yada tự trồng rau. Là lãnh đạo của nhóm vận động chính phủ thay mặt cho những chủ cửa hàng trên đường Khaosan, cô đôi khi được tặng bữa ăn miễn phí từ người khác.
Yada nói rằng nhờ đại dịch, cô thay đổi quan điểm về những thứ quan trọng trong cuộc sống.
“Có xe hơi hay ngôi nhà chỉ là thứ mà xã hội nói rằng chúng ta nên coi trọng, nhưng điều đó không xác định được tầng lớp trung lưu. Giờ tôi không có tài sản gì, nhưng tôi thấy bình yên trong tâm hồn”, Yada nói.
Theo Zing
Chuyện 'nhà giàu cũng khóc' của tỷ phú lắm tài nhiều tật
Là ông trùm bất động sản nổi tiếng và có 2 cô con gái siêu mẫu cũng đầy quyền lực, nhưng tỷ phú Mỹ Mohamed Hadid luôn khiến dư luận dậy sóng bởi các scandal tình - tiền - kiện tụng.