- Gần đây, nhiều ngân hàng đồng loạt công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất rất cao, điều này khiến nhiều người lo ngại về việc lãi suất cho vay sẽ tăng khi lãi suất đầu vào các ngân hàng tăng mạnh.
Tăng lãi suất trung và dài hạn
Trong, khoảng 1 tuần trở lại đây, nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất huy động thông thường.
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý chính là mức kỳ hạn mà các gói chứng chỉ tiền gửi của ngân hàng phát hành ra tập trung hầu hết vào các gói trung và dài hạn. Thậm chí, tại một số ngân hàng để được hưởng mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi 9%/năm thì kỳ hạn tối thiểu người dân phải gửi cũng lên tới 5-7 năm.
Như tại Ngân hàng Sacombank để được hưởng lãi suất chứng chỉ tiền gửi lên tới 8,48% thì kỳ hạn tối thiểu người dân tham gia phải là 5 năm + 1 ngày và số tiền tối thiểu là 10 triệu đồng. Còn nếu muốn hưởng mức lãi suất 8,88%/năm thì thời gian đáo hạn cũng lên tới 7 năm. Tuy nhiên, sau 3 ngày phát hành Sacombank cũng đã hoàn tất chỉ tiêu huy động 1.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi.
Hay như tại VPBank, ngân hàng này cũng đưa ra mức chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 7,5-7,8%/năm với gói kỳ hạn 18 và 24 tháng, không cao quá nhiều so với mức lãi suất huy động thông thường hiện tại. Để hưởng lãi suất cao 9,2%/năm thì người dân cũng phải tham gia với kỳ hạn tối thiểu lên tới 60 tháng.
Nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất huy động thông thường. |
Không chỉ Sacombank hay VPBank phát hành chứng chỉ tiền gửi mà nhiều ngân hàng khác như VIB, VietABank hay LienVietPostBank… cũng công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi và hầu hết tập trung vào các gói trung và dài hạn.
Điều đặc biệt là việc các ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn là một diễn biến mới đáng chú ý. Phải chăng việc tăng lãi suất huy động này chính là đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng và cơ cấu lại nguồn vốn tại các ngân hàng.
Tính toán cân đối dài hạn
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết sở dĩ các ngân hàng đồng loạt phát hành chứng chỉ tiền gửi do đang chịu áp lực từ Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, các ngân hàng đang phải cân đối lại nguồn vốn để giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống còn 50%.
Nhiều người lo ngại về việc lãi suất cho vay sẽ tăng khi lãi suất đầu vào các ngân hàng tăng mạnh. |
“Nói một cách dễ hiểu là trước kia, có 100 đồng vốn ngắn hạn thì ngân hàng có thể sử dụng 60 đồng cho vay trung và dài hạn, trong đó có cho vay bất động sản. Nhưng hiện nay, các ngân hàng chỉ được sử dụng 50 đồng để cho vay trung và dài hạn. Như vậy, các ngân hàng buộc phải huy động nhiều vốn hơn. Việc phát hành chứng chỉ tiền gửi thực chất là một cách huy động vốn trung và dài hạn của ngân hàng”, ông Hiếu cho biết.
Chia sẻ về mức lãi suất của chứng chỉ tiền gửi mà các ngân hàng phát gần đây ông Hiếu cho biết, hiện nay, NHNN chỉ áp trần lãi suất 5,5%/năm với các khoản tiền gửi dưới 6 tháng. Với các khoản trên 6 tháng, ngân hàng và người gửi tiền được phép áp dụng lãi suất thỏa thuận. “Với kỳ hạn dài trên 5 năm, nhiều ngân hàng sẵn sàng phát hành chứng chỉ tiền gửi có số dư từ vài trăm triệu cho tới cả tỷ với lãi suất lên đến 9%/năm cho khách hàng”, ông Hiếu cho biết.
Ông Hiếu cũng chia sẻ thêm việc các ngân hàng đẩy mạnh chứng chỉ tiền gửi không hoàn toàn là do cạnh tranh từ các công ty tài chính (CTTC). “Các CTTC cũng đang phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất huy động tương đối cao. Tuy nhiên, có thể thấy rõ mục đích phát hành chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng khi hầu hết họ nhắm tới các kỳ hạn rất dài”.
Theo tìm hiểu, hiện nay, lãi suất huy động thông qua phát hành trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi của các CTTC vào khoảng 10%/năm, không cao hơn nhiều so với lãi suất huy động dài hạn của ngân hàng.
Theo ông Hiếu, nguyên nhân của mức chênh lệch này là do ngân hàng được dễ dàng huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trong khi đó CTTC chỉ có thể huy động từ tổ chức, vì vậy họ buộc phải đẩy lãi suất cao hơn để thu hút nguồn tiền.
Mặc dù vậy, nhưng tổng vốn huy động của các CTTC hiện mới chỉ trên dưới 40 nghìn tỷ, chưa bằng một ngân hàng nhỏ, chứng tỏ đó chỉ là một thị phần rất nhỏ trong thị trường tài chính ngân hàng.
Với việc các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn bằng chứng chỉ tiền gửi ông Hiếu cũng cho rằng có thể sẽ tác động làm tăng cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay trong năm nay.
Lê Hà