Giải pháp cấp bách

Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến “Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó Covid-19”, chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, năm 2020, 65% doanh nghiệp bị giảm doanh thu nhưng số doanh nghiệp đến cuối tháng 4 vẫn đạt mực kỷ lục so với năm 2020. Bây giờ đứng trước đợt bùng phát Covid -19 mới, phục hồi kinh tế sẽ khó khăn hơn. Chỉ số quản trị mua hàng tăng 3 tháng liên tiếp nhưng đến tháng 5, 6 chưa biết thế nào khi dịch diễn biến phức tạp.

Năm 2020, Chính phủ đã triển khai rất nhiều giải pháp và Chính phủ đang tiếp tục hỗ trợ. Tuy nhiên quá trình thực hiện chính sách còn hạn chế, cần có các giải pháp để doanh nghiệp được thụ hưởng tốt hơn.

Ông Lộc cho rằng, bối cảnh hiện nay phải có hệ thống chính sách hỗ trợ thiết thực, thực tế. Giúp DN thực thi CPTPPP và EVFTA cần phải tổ chức nhuần nhuyễn hơn. Bên cạnh đó là hỗ trợ về thị trường, hỗ trợ về tài khoá tiền tệ (chính sách thuế, tiếp cận vay vốn).

Theo phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh, việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt doanh nghiệp thủ đô. Thời gian qua, hầu hết doanh nghiệp bị “khát” đơn hàng. Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp, các gói hỗ trợ để vực dậy doanh nghiệp. Các gói hỗ trợ này là cần thiết và kịp thời nhưng doanh nghiệp kỳ vọng sự hỗ trợ này phải triển khai càng nhanh càng tốt, đến tay doanh nghiệp để tạo sức bật cho doanh nghiệp vượt khó.

Bên cạnh đó, các cấp ngành phải cải tiến quy trình thủ tục hành chính nhanh gọn hơn, thông tin minh bạch và đầy đủ về tiêu chí, quy trình thủ tục tiếp nhận… để các khoản hỗ trợ sớm đến được tay các doanh nghiệp. Các khoản hỗ trợ này cần phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể, có sự giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả của chính sách.

Ngoài ra, với ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung, nhà nước cần sớm có chính sách phát triển cụ thể. Các doanh nghiệp xuất khẩu hy vọng rằng khi dịch bệnh được kiểm soát, đặc biệt tại châu Âu, các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh hơn nữa vào thị trường này. Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ giúp cho doanh nghiệp có lợi thế hơn nữa khi xuất khẩu hàng sang thị trường này.

Đến thời điểm này, nền kinh tế Việt Nam đang có mức khởi sắc nhất định sau dịch. Nhiều tín hiệu cho thấy, tăng trưởng kinh tế có thể từ 1,8 - 2,9% trong năm 2020. Đây là thành quả có được nhờ phòng chống dịch bệnh rất hiệu quả.

Tổng Thư ký Hanoisme kiến nghị, gói lần 2 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, về hoãn giãn miễn giảm các loại thuế phí, cách tiếp cận nhanh nhất có thể cho việc triển khai gói hỗ trợ này cho doanh nghiệp.

{keywords}
Tọa đàm trực tuyến “Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó Covid-19

Đẩy mạnh tiêm vắc xin

Đánh giá tại Toạ đàm, các chuyên gia đều cho rằng, đẩy mạnh tiêm vắc xin Covid-19 là giải pháp quan trọng giúp đẩy lùi dịch bệnh. Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu đánh giá, không thể tách rời giữa kinh doanh và chống dịch. 

Về vắc xin, ông Hiếu cho rằng, hiện đang có 2 nguồn, Chính phủ đang làm rất tốt trong khả năng của mình. Nhưng phải mở ra một kênh nữa là vắc xin doanh nghiệp. Theo phản ánh, chi phí xét nghiệm, truy vết Covid-19 cao hơn rất nhiều so với tiêm vắc xin. Doanh nghiệp nên được quyền chủ động tiêm vắc xin từ nguồn họ tự chi trả.

Nhà nước kiểm soát về mặt an toàn, ở 2 khía cạnh là quy trình tiêm và danh mục vắc xin. Tuy vậy, những quyết định của Chính phủ về vắc xin doanh nghiệp cần phải rất nhanh. Theo ông Hiếu, đây là "liều thuốc" nên được ưu tiên số 1 hiện nay.

"Vắc xin chưa phải là tất cả nhưng là giải pháp tốt nhất hiện nay. Do vậy tôi đề xuất ngoài vắc xin từ nguồn của Chính phủ, chúng ta nên có cơ chế để doanh nghiệp tự tìm kiếm và chi trả để tiêm vắc xin cho người lao động. Làm được điều này, nguồn vắc xin của Chính phủ sẽ càng công bằng hơn để tiếp cận với những đối tượng khác trong xã hội", ông Hiếu đưa ra kiến nghị.

Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, ông Thân Đức Việt chia sẻ, doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành cùng chính phủ để xã hội hoá nguồn vắc xin. Ông đề xuất chính phủ cho phép ngành may mặc và những ngành nhiều lao động ưu tiên tiêm vắc xin trước.

Hiện, chi phí tiêm vắc xin chỉ bằng 1/3 chi phí xét nghiệm, do đó, việc tiêm vắc xin vừa là giải pháp căn cơ, lâu dài và tiết kiệm. "Chính phủ đã có nghị quyết 21 về mua và sử dụng vắc xin, chúng tôi rất mong nghị quyết này sớm được triển khai", ông nói.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chủ động các giải pháp để vượt qua khó khăn. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse chia sẻ: "Bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể gặp rủi ro, không chỉ là dịch bệnh, mà còn nhiều yếu tố xã hội tác động. Làm sao để chống chọi với rủi ro đồng thời vẫn ổn định phát triển sản xuất là bài toán của mọi doanh nghiệp. Dịch bệnh bùng toàn thế giới, do vậy chúng ta cần sẵn sàng đón nhận rủi ro một cách khôn ngoan".

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài và ảnh: Thu Thủy