Ngày 9/12, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai, Trưởng phòng Sức khỏe Tâm thần người cao tuổi và Y học giấc ngủ, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết hiện nay, tại Việt Nam thách thức về già hóa dân số kéo theo nhiều bệnh lý của người già cũng gia tăng.

Đặc biệt là tình trạng sa sút trí tuệ ở người Việt Nam chiếm tỷ lệ rất lớn. Ở nước ta, tuổi thọ trung bình năm 2023 là 74,5 tuổi và dân số đang có xu hướng già hóa. Cả nước có khoảng 500.000 người trên 60 tuổi mắc sa sút trí tuệ, chiếm 5% dân số ở độ tuổi này.

bs mai phuong.png
Bác sĩ Mai chia sẻ về sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. 

Tỷ lệ người bệnh gặp các triệu chứng suy giảm nhận thức của sa sút trí tuệ (chưa đủ để chẩn đoán) khá cao, chiếm từ 14-46% người trên 60 tuổi.

Theo bác sĩ Mai, sa sút trí tuệ không phải là một phần bình thường của quá trình lão hóa. Có nhiều yếu tố gây ra bệnh lý này như:

Tuổi tác: Tuổi càng cao nguy cơ càng lớn.

Vận động: Người thiếu hoạt động thể chất có nguy cơ phát triển sa sút trí tuệ cũng như các bệnh lý mạn tính khác.

Hút thuốc lá: Nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc chứng này cao hơn 30%.

Tăng huyết áp: Những người có huyết áp cao liên tục ở tuổi trung niên (40-65 tuổi) có nhiều khả năng sa sút trí tuệ cao hơn.

Đái tháo đường: Người có bệnh đái tháo đường type 2 tăng nguy cơ phát triển sa sút trí tuệ, đặc biệt là bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ trong bệnh mạch máu và các bệnh lý tim mạch khác (nhồi máu cơ tim, đột quỵ…)

Tăng cholesterol toàn phần: Cholesterol có liên quan trực tiếp đến bệnh sinh của Alzheimer. Điều trị rối loạn lipid máu có vai trò làm giảm nguy cơ tiến triển sa sút trí tuệ.

Ngoài ra, bác sĩ Mai cho biết người cao tuổi bị căng thẳng, mất ngủ hay những người cô đơn/cô lập xã hội không tham gia vào các hoạt động, ít tương tác giữa các cá nhân có thể tăng nguy cơ phát triển sa sút trí tuệ rất lớn.

Vì vậy, để phòng sa sút trí tuệ, bác sĩ Mai khuyến cáo người cao tuổi tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, duy trì mối quan hệ với người thân, bạn bè, tăng sự tương tác giữa các cá nhân trong gia đình và ngoài xã hội giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh.

Ngoài ra, người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, giảm thính lực… cần kiểm soát tốt bệnh.

Mỗi người cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ít chất béo bão hòa (nội tạng động vật), giàu chất xơ, rau xanh, trái cây tươi, hạn chế đường, muối và tránh sử dụng nhiều rượu, bia.