Cụ thể, các chặng bay từ TP.HCM có tỷ lệ đặt chỗ đang ở mức rất cao, trải đều trong các ngày từ 2/2 tới 9/2 và giảm dần từ các ngày sau Tết Âm lịch.
Cụ thể các chặng bay từ TP.HCM đi Buôn Mê Thuột (dao động từ 82 -100%), TP.HCM - Đà Nẵng (từ 79 - 95%), TP.HCM - Hải Phòng (từ 87 - 93%), TP.HCM - Huế (từ 86 - 98%), TP.HCM - Pleiku (từ 84 - 98%), TP.HCM - Tuy Hòa (từ 80 - 83%), TP.HCM - Thanh Hóa (từ 83 - 92%), TP.HCM - Quy Nhơn (từ 82 - 100%), TP.HCM - Chu Lai (từ 80 - 97%), TP.HCM - Quảng Bình (từ 88 - 106%), TP.HCM - Vinh (từ 86 - 94%).
Tương tự, chiều về từ các sân bay địa phương đến TP.HCM nhiều chặng đang có tỷ lệ đặt chỗ cao. Thậm chí, một số chặng đã bán hết vé trong những ngày cao điểm sau Tết (từ 11/2 tới 19/2 - tức mùng 4 tháng Giêng tới 10 tháng Giêng).
Các chặng cụ thể: Buôn Mê Thuột - TP.HCM (dao động từ 75 - 100%), Cà Mau - TP.HCM (từ 77 - 100%), Hải Phòng - TP.HCM (từ 83 - 94%), Huế - TP.HCM (91 - 96%), Pleiku - TP.HCM (từ 94 - 100%), Tuy Hòa-TP.HCM (từ 80 - 99%), Thanh Hóa - TP.HCM (từ 83 - 98%), Quy Nhơn - TP.HCM (từ 86 - 102%), Chu Lai - TP.HCM (từ 93 - 99%), Đồng Hới- TP.HCM (từ 86 - 105%), Vinh - TP.HCM (từ 85 - 95%).
Trong khi đó, theo thống kê đường bay trục TP. HCM- Hà Nội tỉ lệ đặt chỗ trong giai đoạn từ ngày 1/2 tới ngày 9/2 (tức ngày 22 đến ngày 30 tháng Chạp Âm lịch) ở mức trung bình, từ 56 - 82%. Trong đó các ngày 3/2, 4/2 và 7/2 là đạt trên 80%. Chiều ngược lại ở giai đoạn này, tỷ lệ đặt chỗ chỉ đạt từ trên 40% đến hơn 60%.
Giai đoạn từ ngày 13/2 tới ngày 18/2 (ngày mùng 4 đến ngày mùng 9 tháng Giêng), đường bay Hà Nội-TP.HCM có tỷ lệ đặt chỗ cao. Ngoại trừ ngày 13/2, tỷ lệ này mới đạt trên 51%, các ngày còn lại đều trên 80% (trong đó các ngày 17/2 và 18/2 tỷ lệ này là 93-94%).
So với tuần trước, các Hãng hàng không Việt Nam tiếp tục bổ sung thêm các chuyến bay từ TP.HCM tới các sân bay địa phương và ngược lại trên các chặng đang có tỉ lệ đặt chỗ cao với 324 chuyến tăng thêm, tương ứng gần 61 nghìn ghế.
Trước tình hình khan hiếm vé bay, nhiều hành khách than phiền bị chậm chuyến. Anh N.V.M. chia sẻ, biết trước việc mua vé Tết sẽ khó khăn, từ tháng 10/2023, anh đã đặt vé cho chuyến bay khởi hành lúc 17h30 ngày 7/2 với gia đình 4 người từ TP.HCM đi Vinh.
“Giá vé đắt gấp đôi so với năm trước. Thế nhưng hơn hai tuần trước tôi bất ngờ nhận được thông báo của hãng lùi lên 2h sáng. Như vậy, tôi đang mua vé ngày mà cuối cùng vẫn phải bay đêm mà chỉ nhận được mỗi câu xin thông cảm…”, anh M than phiền.
Lý giải tình trạng này, đại diện một hãng hàng không cho rằng, vào cao điểm đi lại dịp Tết sau khi tăng cường lượt bay, một số chuyến có thể phải điều chỉnh theo slot (chỗ) mới nên thời gian bị thay đổi. Khi có điều chỉnh, hãng sẽ thông báo cho khách, mong được thông cảm do cường độ khai thác cao.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn đến chuyến bay thay đổi lịch trình là hãng phụ thuộc vào lịch thu hồi, kiểm tra động cơ tàu bay. Lịch kiểm tra này được bên sản xuất động cơ đưa ra, hãng phải thực hiện theo dẫn đến bị động và cần sắp xếp lại lịch trình.
Đặc biệt, cao điểm đi lại dịp Tết với các chuyến bay rất dày, khi một tàu bay cho kiểm tra động cơ hãng sẽ sắp xếp, bổ sung máy bay khác thay thế để đáp ứng nhu cầu đi lại. Nhưng việc này vẫn ảnh hưởng dây chuyền đến khai thác.
Theo đại diện Cục Hàng không, các hãng bay thường bán vé sớm trước ngày khởi hành 3-4 tháng và phải sắp xếp lại lịch do tăng cường tàu bay nên có tình trạng thay đổi lịch khởi hành. Không chỉ dịp Tết, ngày thường vẫn có tình trạng sắp xếp lại lịch bay trong quá trình khai thác của các hãng. Theo quy định, hãng hàng không có trách nhiệm thông báo sớm cho khách về việc thay đổi giờ bay.