- Từ 1/12/2017, giá điện đã tăng gần 100 đồng (tăng 6,08%) với mức giá bán lẻ mới là 1.720,65 đồng một kWh. Đây là lần điều chỉnh đầu tiên sau 3 năm không tăng giá đối với loại hàng hóa quan trọng này.

Hướng đến mức giá thị trường

Một điểm đáng lưu ý trong quyết định tăng giá lần này là về tổng thể hoạt động sản xuất kinh doanh EVN 2016 lãi hơn 2.600 tỷ đồng; Vậy tạị sao vẫn quyết định tăng giá điện?.

Theo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh giá bán điện được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016, trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quy định. Đặc biệt, EVN hiện vẫn còn khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 9.600 tỷ  từ nhiều năm trước. Nếu đưa cả khoản lỗ này thì ngành điện vẫn lỗ. Toàn bộ phần lỗ  này sẽ được phân bổ dần, đến năm 2020.

Nhìn nhận về đợt tăng giá này, ông Franz Gerner, Trưởng nhóm Năng lượng, WB Việt Nam cho rằng,  vấn đề chính mà ngành điện đang phải đối mặt là không thể nâng giá điện tiêu dùng theo mức tăng chi phí. EVN đang hoạt động với chi phí thấp nhưng giá bán điện thấp đã làm cho tình hình tài chính của doanh nghiệp không khả quan. Giá điện đã bị đóng băng lể từ 2015 ở mức 0,076 USD/kwh, trong khi tổng giá thành là 0,113 USD/kwh năm 2017. Do vậy, đợt tăng giá này sẽ giúp đưa giá điện về gần hơn với mức phản ánh đầy đủ chi phí sản xuất.

Dựa trên các số liệu thực tế, ông Franz Gerner cho rằng, giá điện hiện nay thấp hơn mức giá mà EVN phải bỏ ra để mua điện từ các nguồn trong tương lai, kể cả năng lượng tái tạo và nhiệt điện. Theo tính toán, với dự kiến chi phí đầu vào và thu hút đầu tư sản xuất điện tăng nhanh nhằm đáp ứng tốc độ tăng cầu về điện thì giá điện phải lên tới mức 0,143 USD/kwh vào 2021. Tại Việt Nam, lượng điện có thể sản xuất từ các nguồn rẻ tiền như thủy điện, than, khí đã bị khai thác tới hạn; thời gian tới, điện sản xuất từ than nhập khẩu, khí trong nước đều sẽ có giá thành cao hơn.

Ông Franz Gerner dẫn các số liệu từ WB cho thấy, giá điện bán ra tại Việt Nam hiện nay thấp so với các nước có cùng trình độ phát triển (GDP/người) trong khu vực và trên thế giới. Ví dụ, giá điện tại Cam-pu-chia, Lào, Phi-lip-pin và In-đô-nê-xi-a lần lượt là 19 US cent/kwh, 9 US cent/kwh, 14,6 US cent/kwh, và 7,3 US cent/kwh.

Tăng giá theo chi phí đầu vào và tạo hấp dẫn thu hút đầu tư ngành điện nhưng mỗi lần điều chỉnh giá thì mối lo ngại tác động lên lạm phát và đời sống dân nghèo luôn là môt áp lực cho chinh phủ.  Theo Bộ Công Thương, đợt tăng giá này sẽ làm CPI tăng 0,08% trong năm 2017, 0,1% năm 2018 và giảm mức tăng GDP 0,166%.

{keywords}

Tuy nhiên, ông Franz Gerner phân tích, kinh nghiệm quốc tế cho thấy tác động của tăng giá điện lên tỉ lệ lạm phát là khá thấp. Đợt tăng giá này có thể làm cho giá cả tăng mạnh hơn xu thế lạm phát thông thường nhưng tác động chỉ mang tính nhất thời và không đáng kể. Nguyên nhân là chi tiền điện chỉ chiếm 2,5% giỏ hàng tiêu dùng. Hiện nay lạm phát khá thấp. Đây chính là điều kiện thuận lợi để tăng giá điện.  Bên cạnh đó, Chính phủ đã thiết lập một mạng lưới an sinh xã hội nhằm giúp đỡ nhóm thu nhập thấp trước các đợt tăng giá. Việt Nam đang có các mạng lưới an sinh nhằm bảo vệ các nhóm thu nhập thấp trước các cú sốc tăng giá được đánh giá là hiệu quả

Thu hút đầu tư các nguồn điện giá rẻ

Hiện nay, nhu cầu về điện tại Việt Nam tăng nhanh, khoảng 8%/năm từ nay cho tới năm 2020. Với tốc độ đó, tổng vốn đầu tư cần thiết cho phát triển điện khoảng 12,8 tỉ USD trong giai đoạn 2016-2020.

Trước đây, vốn đầu tư ngành điện Việt Nam dựa chủ yếu vào đầu tư công nhưng hiện nay sẽ không khả thi nữa do chính phủ sẽ không tiếp tục bảo lãnh cho EVN đi vay vốn từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính quốc tế.

Trước sức ép này, ông Franz Gerner khuyến cáo, Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ nhiều điện nhất khu vực Đông Á Thái Bình Dương; do vậy tăng cường tiết kiệm sử dụng điện là cách rẻ tiền nhất để tránh phải nâng cao công suất phát điện trong tình hình nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

Đồng thời, cần tìm kiếm các nguồn vốn mới đầu tư vào hạ tầng điện lực với các trụ cột chính: có chương trình phát triển các nhà máy phát điện độc lập theo hình thức PPP để thu hút nhà đầu tư tư nhân; chuẩn bị cho EVN và các công ty thành viên đạt tiêu chuẩn vay vốn doanh nghiệp; và nâng cao khả năng cấp vốn bằng đồng nội tệ và tăng cường phát triển thị trường vốn trong nước. 

Trước đây Việt Nam đã phát triển thành công các nguồn sản xuất điện bằng than, khí và thủy điện với giá thành thấp. Nhưng nay do cầu về điện tăng nên các nguồn trong nước không đủ đáp ứng nữa. Vì thế, ông Franz Gerner cho rằng, ngoài các nguồn mới như than và điện nhập từ Lào và Trung Quốc và các nguồn trong nước như các mỏ khí mới, điện gió, điện mặt trời đều có giá thành cao hơn. Vì vậy giá thành sản xuất điện, và giá bán lẻ sẽ phải tăng thì mới đảm bảo đủ phát triển đủ nguồn cấp điện ổn định và bền vững

Hiện nay điện gió và điện mặt trời đang phát triển tại Việt Nam với giá thành ngày càng hạ. Vì vậy, Việt Nam cần giảm sự phụ thuộc vào than đá thì mới có thể hoàn thành cam kết về thúc đẩy năng lượng thay thế.

Ông Franz Gerner, trước đây WB đã cấp vốn mở rộng các công trình thủy điện nhỏ do Việt Nam có tiềm năng thuỷ điện dồi dào và chi phí xây dựng thấp. Hiện nay các nguồn năng lượng tái tạo khác ngoài thủy điện như điện gió, điện mặt trời đang trở nên cạnh tranh hơn nên WB  đã dần sang cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật cho các công nghệ sản xuất điện mới này.

Hiện nay Ngân hàng Thế giới đang có một gói hỗ trợ tổng thể cho EVN và Bộ Công Thương nhằm phát triển điện mặt trời. Trong đó xây dựng một chiến lược quốc gia về phát triển phát triển năng lượng mặt trời để có thể hòa mạng 12 GW từ nay cho tới năm 2030. Trên cơ sở đó, WB sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Việt Nam nhằm mở rộng các dự án điện gió và điện mặt trời. 

Ông Franz Gerner cũng cho rằng, Việt Nam có tiềm năng về điện mặt trời. Chi phí sản xuất điện mặt trời đã giảm nhanh chóng trong những năm gần đây và qua đó đã làm tăng tính khả thi của điện mặt trời. Nhưng chúng ta cần có một môi trường pháp quy tốt thì mới có thể thu hút đầu tư tư nhân để phát triển nguồn năng lượng để cùng với các nguồn khác góp phần thỏa mãn nhu cầu về điện ngày càng tăng của Việt Nam.

Hoàng Dân