Đại diện EVN đã khẳng định không có chuyện tăng giá điện từ 1/7 tới. Việc này tuy đã gỡ được nỗi lo trước mắt nhưng tăng giá điện vẫn được cho là khó tránh khỏi. Nhiều người cho rằng, với kinh nghiệm thực thực tế giá điện, xăng và tỷ giá trước đây, rất có thể sau vài ba lần nói không, thì giá điện bất ngờ thông báo tăng.
Thực tế, sau khi được trao quyền tự quyết điều chỉnh giá điện tối thiểu 3 tháng một lần nếu thông số đầu vào biến động 5%, trong 6 tháng cuối năm 2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tăng giá 2 lần, mỗi lần xấp xỉ 5%.
Không những thế, đầu năm nay, EVN còn "dọn đường" khi úp mở cho biết có thể tăng giá điện 11% hoặc 13% nữa vào năm 2013.
Điều này khiến không ít khách hàng lo ngại, cứ đến hẹn lại lên, 3 tháng giá điện sẽ tăng 1 lần.
Mùa khô 2013 nhu cầu điện tăng cao. Thủy điện không đáp ứng đủ, EVN phải đổ dầu DO để phát điện. Chạy dầu giá thành sẽ rất cao dẫn đến thua lỗ.
Thực tế này khiến người ta lo ngại điện sẽ tăng giá ngay cuối tháng 3/2013. Tuy nhiên EVN, đã ra thông báo không tăng giá điện vào mùa khô.
Tiếp đó, từ ngày 20/4/2013, giá than bán cho điện đã tăng 27%, điều này khiến cho chi phí sản xuất điện từ than tăng. Nhiều khách hàng đã nín thở, hồi hộp chờ EVN ra thông báo tăng giá điện.
Vậy nhưng gần 2 tháng trôi qua kể từ ngày than tăng giá thì giá điện vẫn án binh bất động. Cuộc họp báo sau đó, Bộ Công thương cũng cho biết chưa tăng giá điện.
Mới đây, khi Bộ Công thương vừa công bố Dự thảo lần 3 Quyết định quy định về biểu giá bán lẻ điện. Cùng lúc đó, xuất hiện nhiều thông tin cho rằng từ 1/7/2013, giá bán lẻ điện sinh hoạt, kinh doanh và sản xuất sẽ tăng.
Thậm chí, có nguồn tin còn đưa ra cả phương án tăng giá điện như: điện kinh doanh ở hạng mục đắt nhất sẽ là 3.539 đồng/kWh, tăng 170 đồng; điện sản xuất với mức cao nhất sẽ là 2.306 đồng, tăng 281 đồng...
Ngay lập tức EVN hồi đáp: Chưa có đề xuất tăng giá điện vào thời điểm 1/7.
Một DN vốn rất muốn tăng giá bán sản phẩm để dảm bảo bù đủ giá thành và có thêm nguồn bù khoản lỗ hàng ngàn tỷ dồn lại từ nhiều năm. Vậy mà khi có ‘điều kiện’ để có thể tăng giá nhưng đã gần hết nửa năm 2013 mà vẫn chưa tăng.
Đây có phải là một điều khó hiểu. Câu trả lời có lẽ đã được giải đáp phần nào khi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời báo chí bên hành lanng Quốc hội cho biết, việc điều chỉnh giá điện đúng là phụ thuộc vào thông số đầu vào, song nếu ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất kinh doanh thì sẽ phải rất thận trọng. Trong bối tình hình kinh tế cả nước cũng như của các DN gặp nhiều khó khăn, chúng ta phải thực hiện mục tiêu lạm phát thấp hơn và tăng trưởng phải cao hơn năm 2012… vì vậy rất cân nhắc.
Tuy nhiên, trên thực tế, giá điện tăng là điều khó tránh khỏi.
Than tăng giá khiến chi phí đầu vào nhiệt điện than tăng cao. Ví dụ, Nhiệt điện Uông Bí, mỗi năm tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn than. Giá than trước thời điểm 20/4 là khoảng 1 triệu đồng/ tấn, nay tăng lên gần 1,3 triệu đồng/tấn. Như vậy, mỗi năm chi phí của Công ty đã tăng thêm khoảng 600 tỷ đồng. Nhiệt điện Ninh Bình hằng năm tiêu thụ khoảng 500.000 tấn than, nhưng với mức tăng giá bán than như hiện nay, chi phí sản xuất điện của Công ty sẽ tăng thêm khoảng 150 tỷ đồng và gặp nhiều khó khăn trong cân đối tài chính.
Nhiệt điện than hiện chiếm khoảng 1/4 - 1/3 tổng cơ cấu nguồn điện. Nếu giá than tăng lên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiệt điện than, qua đó tác động đến giá điện.
Tại Hội nghị tài chính năm 2013 của EVN, các thông tin cho thấy, EVN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cân đối tài chính.
Dự kiến doanh thu từ điện năm 2013 của EVN khoảng 138.925 tỷ đồng, trong khi đó chi phí điện khoảng 139.280 tỷ đồng, lỗ 355 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng năm 2013 có nhu cầu vốn tăng gần 1,4 lần so với năm 2012, khoảng 106.604 tỷ đồng. Tuy nhiên, khả năng huy động được khoảng 99.827 tỷ đồng, còn thiếu khoảng 6.777 tỷ đồng.
Như vậy nếu không tăng giá điện thì lấy gì bù đắp?. Vấn đề chỉ còn là thời điểm nào sẽ tăng giá và tăng bao nhiêu mà thôi.
Bên cạnh đó, Dự thảo Quyết định quy định về biểu giá bán lẻ điện do Bộ Công Thương soạn thảo và đang lấy ý kiến, nếu được thông qua, dù giá bán lẻ điện bình quân không có sự điều chỉnh, thì với những khách hàng có lượng điện tiêu thụ dưới 150 kwh, hóa đơn tiền điện sẽ phát sinh thêm từ 7 đến 157 đồng mỗi kwh từ 1/7/2013.
Về lâu dài, theo ông Alain Cany, Chủ tịch Diễn đàn DN Việt Nam, nếu trì hoãn việc tăng giá điện thì sẽ khiến DN tư nhân ngần ngại đầu tư vào thị trường điện. Lúc này chưa phải là thời điểm để tăng giá điện ở mức mạnh, nhưng tăng ở mức nền kinh tế có thể chịu đựng được là điều nên làm. Tăng giá là điều trước sau vẫn phải làm nếu Việt Nam muốn thu hút đầu tư vào ngành Điện.
Trần Thủy