- Số vụ cháy tăng đột biến trong 7 tháng qua, người chết vì cháy cũng tăng vọt, thiệt hại tài sản hơn 1.000 tỷ đồng, vậy, năng lực cứu hoả đến đâu? Ông Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH chia sẻ với Góc nhìn thẳng.


Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có nhiều vụ cháy xảy ra khiến hàng chục người thiệt mạng. Những vụ tai nạn hỏa hoạn diễn ra ở nhiều địa điểm như nhà xưởng sản xuất, kinh doanh, siêu thị, cửa hàng, nhà dân… với nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng đều khởi nguồn từ một phút sơ xảy, ý thức kém…của con người. Vụ cháy nghiêm trọng nhất gần đây ở xưởng bánh kẹo Hoài Đức, Hà Nội khiến 8 người tử vong một lần nữa lại dấy lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề này.

Làm thế nào để giảm thiểu được số vụ tai nạn đau lòng này xảy ra? Trước vấn đề thời sự nóng bỏng này, Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an đã chia sẻ với chuyên mục Góc nhìn thẳng của VietNamNet nhìn lại công tác này trong nửa năm qua.

Theo dõi cuộc trò chuyện tại video sau:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, ông nhận định như thế nào về tình hình các vụ cháy xảy ra từ đầu năm đến nay và liệu có sự gia tăng đột biến không?

Thượng tá Bùi Quang Việt: Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 2.364 vụ cháy. So với cùng kỳ năm ngoái, các tai nạn cháy đã tăng 858 vụ. Hậu quả là làm 51 người chết, 95 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 1.173 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ cháy nửa đầu năm nay đã tăng với tỷ lệ 56,9%, thiệt hại về người chết đã tăng 20 người, tức tăng 64,5%, thiệt hại về tài sản tăng khoảng 341 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 41,1%.

Thời gian gần đây, tai nạn hỏa hoạn nổi lên tình trạng nhiều vụ xảy ra ở khu vực nhà dân, nhà ở có đặc thù kết hợp sản xuất, kinh doanh hoặc tại các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư, làm chết và bị thương nhiều người.

Điển hình có thể kể tới một số vụ như ngày 5/4, xảy ra cháy nhà dân tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, làm chết 03 người; ngày 13/7, xảy ra cháy tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, làm chết 4 người trong một gia đình.

Mới đây, vào sáng ngày 29/7, xảy ra cháy tại xưởng sản xuất bánh kẹo, địa chỉ Km 19, Quốc lộ 32, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội, làm chết 8 người, bị thương 2 người.

{keywords}
Ảnh: VietNamNet

Nhà báo Phạm Huyền: Theo ông, các nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các vụ cháy này là gì?

Thượng tá Bùi Quang Việt: Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân gây cháy, thiệt hại nghiêm trọng về người trong các vụ vừa qua chủ yếu là do người dân còn thiếu ý thức, kiến thức, kỹ năng PCCC và thoát nạn và đặc biệt, các nhà bị cháy đều thuộc dạng nhà ống, chỉ có duy nhất một lối thoát nạn.

Nhà báo Phạm Huyền: Chúng ta thường đổ lỗi đầu tiên là do ý thức con người, nhưng phải nói rằng, con người cẩn thận mấy cũng có phút sơ sẩy bất cẩn. Vậy những nguyên nhân khác, như vấn đề thiết kế xây dựng, hệ thống trang thiết bị PCCC trong các khu vực nhà dân hay nhà xưởng được đánh giá ra sao?

Thượng tá Bùi Quang Việt: Như tôi vừa nêu, tại các nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ đang còn tồn tại một số bất cập trong công tác PCCC như chỉ có 1 lối thoát nạn duy nhất qua cửa chính, không có lối thoát nạn dự phòng. Các nhà ở này cũng không có giải pháp thiết kế xây dựng để ngăn cháy lan, chống tụ khói, khu vực ban công thường bố trí nhiều lớp cửa kiên cố, lắp đặt lồng sắt, trong khi đó, hầu hết các khu nhà cũng không được trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ, các dụng cụ để phá dỡ, thoát nạn khi có cháy, hoặc đơn giản như không có cả thiết bị cảnh báo cháy.

Nhiều khu dân cư không được quy hoạch tổng thể, nằm trong ngõ sâu, hẹp nên không đảm bảo cho việc tiếp cận, triển khai triển khai lực lượng phương tiện cứu người, cứu tài sản và chữa cháy.

Trong thiết kế các khu nhà ở, nhà xưởng này, khoảng cách an toàn PCCC không bảo đảm như thường xây dựng các mái che giữa các nhà kho, nhà xưởng. Việc bố trí sắp xếp vật tư hàng hóa không đúng quy định. Xưởng sản xuất sử dụng làm kho chứa hàng hóa với trữ lượng lớn. Một số dây chuyền sản xuất đã cũ kỹ, lạc hậu, hệ thống điện. Hệ thống PCCC có hiện tượng “lão hóa” không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật… Với tất cả những hạn chế này nên các khu nhà như vậy dễ phát sinh sự cố cháy, nổ trong quá trình sử dụng.

Nhà báo Phạm Huyền: Sau vụ cháy tại Hoài Đức (Hà Nội), trước đây là vụ cháy tại Công ty may Cần Thơ, nhiều ý kiến người dân băn khoăn về năng lực chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC, thậm chí, có ý kiến cho rằng việc cứu nạn chữa cháy của các chiến sĩ còn chậm. Ông có thể nói gì về phản hồi như vậy?

{keywords}
Ảnh: Lính cứu hoả đang chữa cháy vụ cháy ở xưởng bánh kẹo Hoài Đức (ảnh: Trần Thường)


Thượng tá Bùi Quang Việt: Chúng tôi cho rằng, có thể người dân chưa hiểu về nghiệp vụ của những người lính chữa cháy. Ví dụ như khi có cháy xảy ra, người lính cứu hỏa phải trinh sát đám cháy trước và có những chỗ không thể phun nước vào theo cách thông thường được. Chúng tôi cần tìm hiểu xem trong đám cháy có chất gì để sử dụng các chất chữa cháy cho hiệu quả. Đối với những đám cháy như vậy, có thể có người dân chưa hiểu hết được các nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy nên có những nhận định như vậy.

Tuy nhiên, tại các vụ cháy trên, việc triển khai các hoạt động phòng cháy chữa cháy ban đầu của lực lượng PCCC tại chỗ chưa hiệu quả, thông tin báo cháy chậm. Khi lực lượng Cảnh sát PCCC tiếp cận được hiện trường thì đám cháy đã phát triển trên quy mô rất lớn nên gây khó khăn cho hoạt động cứu chữa.

Đối với vụ cháy ở Hoài Đức vừa rồi, tôi đã trực tiếp đến hiện trường. Qua nghe báo cáo của đồng chí Trưởng phòng CS PCCC số 13 thì được biết, chính cán bộ chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC số 13 trên đường đi công tác đã thấy đám cháy, đã trực tiếp vào chữa cháy, gọi điện cho đơn vị để kịp thời điều động phương tiện đến để chữa cháy kịp thời.

Do vậy, rất nhanh, trong thời gian 4-5 phút, xe chữa cháy đã có mặt tại hiện trường để triển khai việc cứu nạn cứu hộ và các phương án chữa cháy.

Nhà báo Phạm Huyền: Trước tình hình diễn biến các vụ hỏa hoạn gia tăng và phức tạp như vậy, thời gian tới, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH có những giải pháp như thế nào để giảm thiểu tình trạng này?

Nhà báo Phạm Huyền: Từ nay tới cuối năm, Cục sẽ chỉ đạo các lực lượng Cảnh sát PCCC triển khai một số biện pháp cấp bách như tham mưu cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các cấp, nhất là UBND cấp xã đề cao vai trò trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quản lý Nhà nước về PCCC tại địa phương; Xây dựng, ban hành Bộ Tiêu chí an toàn PCCC và CNCH đối với nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trong các khu dân cư, làng nghề… phù hợp thực tế địa phương; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy, nổ và tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng dân phòng để đội ngũ này có đủ năng lực xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Ngoài ra, một giải pháp quan trọng hiện nay là tổ chức rà soát, nắm chắc số hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh không thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC, đôn đốc, hướng dẫn chủ hộ khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về PCCC.

Đặc biệt, chúng tôi cũng rất mong muốn các cơ quan truyền thông tiếp tục tuyên truyền về các kỹ năng PCCC để người dân nắm được, áp dụng trong đời sống sinh hoạt hay trong sản xuất kinh doanh hàng ngày của mình.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông!

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Video: Xuân Quý, Đức Yên

Email: [email protected]