Đà Nẵng xác định công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo thuộc nhóm ngành đột phá, tạo xung lực để phát triển nhanh và bền vững. Do đó, thành phố sẽ ưu tiên nghiên cứu, đầu tư, phát triển các lĩnh vực này một cách bài bản, dài hạn.

Đây là chia sẻ của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh tại Hội thảo quốc tế "Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu". 

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch như Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, Fpt Semiconductor, Viettel CNC… với khoảng 550 kỹ sư được đào tạo chuyên sâu. So sánh tương quan, lượng kỹ sư bán dẫn tại Đà Nẵng hiện chiếm 10% tổng nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam. 

hoi thao quoc te nguon nhan luc ban dan viet nam dai hoc phenikaa 17.jpg
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh. 

Để thúc đẩy các ngành công nghệ cao, Đà Nẵng đã gấp rút thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (Trung tâm DSAC), trực thuộc Sở TT&TT. Hoạt động từ tháng 1/2024, đây là trung tâm đầu tiên của cả nước tổ chức các hoạt động hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu, đào tạo lĩnh vực vi mạch và trí tuệ nhân tạo.

Trong tháng 11/2023 và tháng 2/2024, Đà Nẵng đã tổ chức các đoàn công tác sang Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) để làm việc với các tập đoàn hàng đầu về thiết kế vi mạch bán dẫn như Synopsys, Nvidia, Marvell, Ampere, Arm, Qualcomm, Intel, Qorvo, MediaTek… Đà Nẵng cũng đã ký bản ghi nhớ hợp tác về phát triển bán dẫn với tập đoàn Synopsys.

Theo ông Lê Trung Chinh, nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn đã đến khảo sát môi trường đầu tư tại Đà Nẵng. Các đối tác đều đưa ra nhận định khả quan về tiềm năng, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực thiết kế vi mạch của Đà Nẵng.

Dựa trên nhu cầu của các doanh nghiệp đã và đang có dự định đầu tư, mục tiêu của địa phương này là đến năm 2030 có ít nhất 5.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn. Đà Nẵng cũng hướng đến việc đào tạo kỹ sư bán dẫn theo chuẩn quốc tế để cung ứng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang thiết lập mối quan hệ hợp tác, đầu tư.

dao tao lai ban dan ngan han da nang.jpg
 Học viên dự khoá bồi dưỡng ngắn hạn về bán dẫn cho giảng viên nguồn và sinh viên các chuyên ngành gần. 

"Đà Nẵng đang xây dựng Đề án "Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng", dự kiến ban hành giữa năm 2024. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng các chính sách hỗ trợ, thu hút đặc thù, thúc đẩy phát triển ngành vi mạch bán dẫn”, ông Lê Trung Chinh nói. 

Trong tổng thể các nhóm chính sách, Đà Nẵng tập trung vào 3 nhóm giải pháp về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, Chủ tịch UBND Đà Nẵng thông tin.

Hạ tầng đường truyền mạng cáp quang quốc tế, hạ tầng điện và giao thông, logistics hiện đã đáp ứng được các yêu cầu của các nhà đầu tư. Đà Nẵng sẽ chuẩn bị quỹ đất, cơ sở hạ tầng các khu CNTT tập trung, công viên phần mềm, công nghệ cao nhằm đón nhận làn sóng đầu tư, giúp sớm triển khai các dự án về vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Đối với việc chuẩn bị nguồn nhân lực, đến nay, đã có 3 trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng công bố tuyển sinh kỹ sư ngành thiết kế vi mạch từ tháng 8/2024 với gần 200 chỉ tiêu/năm. 

Đà Nẵng hiện có 37 cơ sở đào tạo ngành CNTT và các ngành gần lĩnh vực vi mạch bán dẫn (điện tử viễn thông, cơ điện tử, tự động hóa…), với tổng sinh viên tốt nghiệp hàng năm khoảng 5.700. Địa phương này đã triển khai 3 lớp chuyển đổi kỹ sư ngành gần sang lĩnh vực thiết kế vi mạch. 

Ngoài ra, để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về bán dẫn, Đà Nẵng đang xây dựng nhiều chính sách, trong đó có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ chi phí đào tạo, chi phí mua thiết bị,...

Trọng Đạt