Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay mà trái đất và nhân loại đang phải đôi mặt và thậm chí đẩy thêm hàng trăm triệu người vào cảnh thiếu đói. Trong những năm qua, biến đổi khí hậu đã tác động đến sinh kế của nhiều vùng dân cư trên khắp cả nước Việt Nam, đặc biệt là những người dân tộc thiểu số ở miền Tây tỉnh Nghệ An, nơi cuộc sống vốn dĩ phụ thuộc chủ yếu vào nông - lâm nghiệp, và chịu ảnh hưởng rất lớn từ thiên tai, thời tiết.
Hạn hán, nhiệt độ tăng cao, lũ ống lũ quét là những thách thức không ngừng gia tăng do biến đổi khí hậu tạo nên trên các vùng núi cao, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An nói chung, huyện nghèo 30A Kỳ Sơn nói riêng. Ảnh hưởng đó không những tác động không ngừng đến môi trường, sức chống chịu của hệ sinh thái rừng, tự nhiên mà còn gây ra các hiệu ứng lan tỏa tiêu cực, bất lợi đến mọi lĩnh vực kinh tế xã hội như an ninh lương thực, sử dụng nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, sức khỏe, phúc lợi và sinh kế.
Do đó, việc thực hiện Dự án “Nâng cao kiến thức, năng lực về thích ứng với thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Kỳ Sơn” có ý nghĩa rất thiết thực và kỳ vọng vào những đổi mới trong thời gian tới.
Dự án hiện đang được triển khai thực hiện tại 4 xã bao gồm: Tây Sơn, Nậm Cắn, Mỹ Lý, Mường Lống.
Ban Quản lý Dự án đã xây dựng mô hình phát triển các khu rừng tự nhiên nghèo là rừng phòng hộ đầu nguồn trên cơ sở giao nhận khoán bảo vệ rừng thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, phát triển cây Bon bo, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với cảnh quan rừng nhằm tăng cường khả năng phòng hộ của rừng và đa dụng hóa sinh kế từ rừng cho đồng bào DTTS tại các xã được lựa chọn triển khai dự án trên địa bàn huyện.
Sau 2 năm triển khai thực hiện, dự án đã xây dựng thành công, được 5 mô hình sinh kế: Giao đất giao rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, phát triển và bảo vệ rừng; Phát triển bò vỗ béo; Bảo tồn và chăn nuôi gà đen đồng bào Mông theo chuỗi giá trị OCOP; Phục tráng cây mận tam hoa, đào, gắn với phát triển du lịch cộng đồng…
Các mô hình đã làm thay đổi nhận thức, ý thức của cộng đồng người dân vùng nông thôn, nhất là gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tập tục bản địa truyền thống của các cộng đồng góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong khuôn khổ GEF/SGP tài trợ, hội nghị khởi động dự án “Nâng cao kiến thức, năng lực về thích ứng với thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số Kỳ Sơn” lần này có 4 xã gồm: Nậm Cắn, Tây Sơn, Mường Lống và Mỹ Lý tham gia, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 5 tỉ đồng, giai đoạn 2023-2025.
Mục tiêu trước mắt của dự án là nâng cao kiến thức, năng lực về thích ứng với thiên nhiên, hai là xây dựng mô hình phát triển các khu rừng tự nhiên trên cơ sở giao khoán và bảo vệ rừng cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.