Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa Thể thao thanh thiếu nhi tỉnh Kon Tum phối hợp với Huyện đoàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức tập huấn phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích cho thiếu nhi huyện Tu Mơ Rông năm 2023.
Tại buổi tập huấn, hơn 400 em học sinh bậc tiểu học và THCS của huyện đã được giới thiệu và hướng dẫn cách sơ cứu đối với một số tai nạn thương tích thường gặp; kỹ năng bơi an toàn, một số tình huống giả định và hướng dẫn phương pháp cứu nạn nhân khi bị đuối nước…
Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm trang bị cho các em thiếu nhi những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng, chống cũng như xử lý các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra đối với bản thân và những người xung quanh. Qua đó góp phần giảm thiểu tình hình tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước ở trẻ em.
Tại Hà Nội, Trường Tiểu học Thăng Long (Hoàn Kiếm) cũng tổ chức truyền thông về việc sơ cấp cứu ban đầu, phòng chống tai nạn thương tích nhằm nâng cao kiến thức cho các cán bộ, giáo viên, nhân viên về kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu, phòng ngừa và ứng phó tai nạn gây thương tích ở lứa tuổi học sinh.
Tại buổi truyền thông, các nhân viên y tế đã giúp các cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường nhận thức về việc những tai nạn thương tích như điện giật, say nóng, bỏng, hóc sặc dị vật; rắn, côn trùng, chó mèo, ngã, ngộ độc, đuối nước… có thể xảy ra bất cứ lúc, dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, các chuyên gia đã chia sẻ kiến thức, kĩ năng về sơ cấp cứu cơ bản để thầy cô có thể hướng dẫn lại cho học sinh cũng như con em của mình biết cách xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.
Từ các kĩ năng hướng dẫn thực hành rất đơn giản cùng cách thức chia sẻ sinh động, gần gũi của chuyên gia, cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường dễ dàng tiếp cận những kiến thức rất cần thiết.
Cũng nằm trong kế hoạch triển khai đề án phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh, Viện Khoa học an toàn Việt Nam đã tổ chức tập huấn truyền thông kỹ năng sơ cấp cứu, phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh trường THCS Tân Lập, huyện Đồng Phú.
Vừa nghe lý thuyết, giáo viên, phụ huynh và học sinh vừa thực hành kỹ năng xử lý các tình huống tai nạn, qua đó nắm rõ kĩ thuật và thao tác sơ cấp cứu cơ bản khi có tai nạn xảy ra. Bên cạnh đó, những người tham gia tập huấn được hướng dẫn các thao tác phòng tránh, xử lý vết thương theo tình huống giả định, nắm được kỹ năng sơ cấp cứu, phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích thông thường.
Theo số liệu thống kê của Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, hằng năm có khoảng 300.000 trẻ em bị thương tích, có hơn 6.000 trường hợp tử vong, trong đó hơn 50% các tai nạn thương tích xảy ra tại gia đình do ngã, tai nạn giao thông, dị vật, ngộ độc thực phẩm, vật sắc nhọn gây nên, đuối nước, điện giật, bỏng, bom mìn...
Trong đó, trẻ bị ngã chiếm 29,03%, trẻ bị tai nạn giao thông chiếm 26,1%. Các nguy cơ như điện giật, đuối nước, tai nạn giao thông... có số vụ tai nạn thương tích thấp nhưng lại có nguy cơ tử vong rất cao, chiếm hơn 80% số trẻ tử vong do tai nạn thương tích gây nên.
Nguyên nhân gây tai nạn thương tích của trẻ là do sự thiếu kiến thức, thiếu ý thức của người lớn; trẻ em còn non nớt, nên thiếu hiểu biết và kỹ năng an toàn cho trẻ; môi trường sống của trẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ; cha mẹ không giám sát, trông nom trẻ một cách chu đáo, cẩn trọng.
Trước thực trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 18/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục.
Ngoài hoàn thiện, rà soát thường xuyên chất lượng cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện để khắc phục nguy cơ gây tai nạn thương tích, nhà trường phải thực hiện lồng ghép, tích hợp giáo dục nội dung xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, kỹ năng về phòng chống đuối nước, PCCC, an toàn giao thông…